Tự chủ về công nghệ sản xuất thép cho dự án lớn
Theo lãnh đạo Hòa Phát, dự án đường sắt tốc độ cao cũng có sử dụng tới nhiều loại thép khác mà Hòa Phát đang sản xuất. Cụ thể, theo bảng phân cấp chất lượng, thép làm ổ bi, lò xo van, lò xo hợp kim, thép làm tanh bố lốp ô tô… khó 10 thì làm thép đường ray tàu cao tốc chỉ ở mức 8. Đội ngũ kỹ sư công nghệ của Tập đoàn Hòa Phát đã làm chủ tốt công nghệ để cho ra đời những sản phẩm khó, chất lượng cao nhất như dây thép cho dập nguội, sợi thép hàn hồ quang, thép làm cáp thang máy, thép tấm kháng thời tiết năm 2021, đặc biệt thép cuộn làm tanh bố lốp ô tô (thép tirecord).
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long trực tiếp đi tìm hiểu thực tế tại các nhà máy sản xuất ray thép hàng đầu thế giới ở châu Âu. |
Thép làm tanh bố lốp xe có yêu cầu rất cao về độ tinh khiết của thép lỏng. Sợi tanh bố thép có đường kính rất nhỏ 0,15-1,80mm, như sợi tóc, sản phẩm cần có cơ lý tính đặc biệt, độ tinh khiết cực cao, tạp chất khí ở mức rất thấp. Thép Hòa Phát Dung Quất luyện loại thép đặc biệt này từ năm 2022 tại dây chuyền cán 3 của Dung Quất 1 và cung cấp cho Hyosung (Hàn Quốc), Bekeart (Bỉ). Ngoài ra Hòa Phát cũng đã đạt chứng nhận cung cấp thép nguyên liệu cho sản xuất cáp thang máy, cáp cầu trục cho Tokyo rope Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Hòa Phát đảm bảo đầu tư thiết bị, chuyển giao công nghệ để sản xuất thép ray tốt nhất, chất lượng cao nhất như châu Âu đang sản xuất. Hòa Phát cũng tính toán phương án vận chuyển ray có chiều dài đến 120m nhằm giảm mối hàn trên đường ray cao tốc, cho phép hệ thống hoạt động ổn định ở tốc độ cao.
Các đối tác G7 cung cấp thiết bị công nghệ cho Hòa Phát như Danieli, SMS… đều nắm vị trí hàng đầu thế giới trong việc sản xuất thép đường ray ở châu Âu, châu Á.
Trong tháng 10 và tháng 11/2024, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cùng đội ngũ chuyên gia công nghệ đã trực tiếp đi tìm hiểu thực tế tại nhiều nhà máy sản xuất ray thép hàng đầu thế giới tại châu Âu; tham khảo cách bố trí dây chuyền thiết bị công nghệ cho nhà máy, cách thức vận hành tổ chức sản xuất, quy trình công nghệ sản xuất, quy trình kiểm tra chất lượng xuyên suốt toàn quá trình từ chuẩn bị nguồn nguyên liệu sạch sản xuất từ quặng sắt, tinh luyện chân không tinh chế kim loại có độ sạch cao nhất và khử tạp chất khí có hại, hệ thống kiểm soát chất lượng online, thiết bị UT kiểm tra khuyết tật bên trong ray thép (Ultrasonic testing), thiết bị kiểm tra biên dạng hình học bằng laze (Hiprofile), hệ thống nắn thẳng ray, hệ thống tôi đầu ray trong quá trình sản xuất ray cho đường sắt tốc độ cao giúp đảm bảo chất lượng luôn ở cấp cao nhất.
Tập đoàn bắt đầu đàm phán, hợp tác hỗ trợ, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật với các đối tác, nhà cung cấp thiết bị sản xuất ray thép cho đường sắt cao tốc hàng đầu thế giới hiện nay và họ đều là các đối tác đã đồng hành cũng Hòa Phát nhiều năm qua.
Thép Hòa Phát Dung Quất cũng phối hợp với Trường Vật liệu – Đại học Bách khoa Hà Nội liên tục tổ chức khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về các loại sản phẩm thép chất lượng cao với 3 chủ đề chính, tập trung vào các loại thép đặc thù và kỹ thuật sản xuất phức tạp như: Thép làm tanh/bố lốp ô tô; thép kỹ thuật điện (thép Silic); thép làm đường ray cho tàu tốc độ cao.
Hoàn thành thủ tục triển khai dự án thép ray cao tốc tại Phú Yên
Hiện nay Hòa Phát đang xúc tiến hoàn thiện các thủ tục cần thiết để giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên. Trong đó có dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát. Cơ cấu sản phẩm dự kiến của Khu liên hợp này tập trung vào các dòng thép chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo như thép đường ray, thép tấm, thép kết cấu, thép hình, thép thanh tròn trơn (SBQ). Ngay sau khi có mặt bằng, Hòa Phát có thể sẵn sàng triển khai dự án sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc, cả về công nghệ, đội ngũ nhân lực và địa điểm sản xuất.
Trước đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết, hiện Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, thuộc top 50 thế giới về sản xuất thép với công suất đạt 8,5 triệu tấn/năm. Từ năm 2025, sau khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành thì năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát là hơn 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao.
Là nhà sản xuất thép Việt Nam duy nhất làm được thép công nghệ cao, Hòa Phát đảm bảo đầu tư thiết bị, chuyển giao công nghệ để sản xuất thép ray. Ảnh: Hòa Phát |
Được biết, trong 3 năm gần đây, Hòa Phát đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Việc sản xuất thép ray đường sắt cao tốc hoàn toàn nằm trong khả năng của Tập đoàn. Thực tế, Tập đoàn Hòa Phát đang khảo sát, đề xuất phương án đầu tư một số dự án lớn tại tỉnh Phú Yên, trong đó có dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép. Cơ cấu sản phẩm dự kiến tại đây tập trung vào các dòng thép chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo như thép tấm, thép kết cấu, thép hình, ray thép
“Chúng tôi tự tin cam kết 4 điểm: Một là đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao. Thứ hai là cam kết về chất lượng, tất cả các chủng loại sắt thép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu. Thứ ba là đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án. Thứ tư, về giá cả Hòa Phát đảm bảo giá cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu”, ông Long bày tỏ.
Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, siêu dự án này sẽ cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại, tất cả đều trong khả năng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Chủ tịch Hòa Phát cho hay, việc sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc hoàn toàn nằm trong khả năng của Hòa Phát, sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của dự án với 4 cam kết: Đảm bảo đủ 6 triệu tấn thép các loại, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao; Đảm bảo chất lượng quốc tế cho tất cả các chủng loại thép, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu; Đảm bảo tiến độ giao hàng theo đúng yêu cầu của dự án; Giá cả cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án hạ tầng lớn, phức tạp về kỹ thuật, mà dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam là ví dụ điển hình. Dự án triển khai sẽ tạo cơ hội và động lực để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp cơ khí chế tạo trong đó có sự đóng góp lớn của ngành thép. Nếu Việt Nam tự chủ sản xuất thép cho các dự án lớn, sẽ giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, hạn chế tác động tiêu cực đến tỷ giá ngoại hối, đồng thời đảm bảo thuận tiện trong việc bảo trì, sửa chữa sau này.
Hiện nay Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 nhằm định hướng giúp các cơ quan nhà nước và các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để điều hành sự phát triển của ngành. Chiến lược sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, cũng như chiến lược phát triển sản phẩm, đầu tư phát triển doanh nghiệp hài hòa với sự phát triển của ngành. Đồng thời, chiến lược vạch rõ mục tiêu là phát triển các sản phẩm thép theo hướng xanh và tiết kiệm năng lượng; tăng thị phần thép sản xuất trong nước nhằm từng bước thay thế sản phẩm nhập khẩu; định hướng về công nghệ sản xuất và phát triển nguồn nguyên liệu ngành thép… |