Nằm trong cụm dân cư khu phố 4, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, đình làng Đông Tác là cơ sở tín ngưỡng có vị trí quan trọng của cộng đồng cư dân nơi đây.
Hằng năm, vào dịp xuân kỳ thu tế, đông đảo người dân trong vùng về dự lễ tế thần Thành hoàng, thần Bạch Mã, thần Thổ Địa, thần Long Vương, thần Nam Hải. Đây cũng là dịp để bà con tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân đã dày công khai phá xây dựng phường Phú Đông ngày nay và tìm hiểu lịch sử vùng đất đang sinh sống.
Nhân dân góp công xây dựng
Làng Đông Tác lúc mới lập có tên là Đông Hưng, sau đó cải tên là Đông Yên, đến cuối đời vua Tự Đức đổi tên là Đông Trạch. Cuối thế kỷ XIX, tên gọi Đông Trạch còn được ghi chép trong các văn bản hành chính thời Pháp thuộc. Đến đầu thế kỷ XX, đổi tên là làng Đông Tác cho đến ngày nay.
Theo các bậc cao niên ở địa phương, tiền hiền làng Đông Tác họ Đinh, quê gốc Quảng Ngãi theo đoàn quân Nam tiến của các chúa Nguyễn vào sinh cơ lập nghiệp ở đây từ thế kỷ XVIII với vị thủy tổ là Đinh Quýnh.
Về sau, các họ Phạm, Lê, Huỳnh, Trần từ Quảng Nam và Bình Định vào lập nghiệp, xây dựng các thiết chế như đình, miếu, lẫm làng tại Đông Tác.
Đình làng Đông Tác lúc đầu được xây dựng bằng gỗ, mái lợp tranh, vách đất. Trải qua thời gian, đình xuống cấp, đến những năm 30 thế kỷ XIX, người dân xây dựng lại bằng gạch, mái lợp ngói âm dương. Đình được xây dựng giữa làng, mặt nhìn về hướng đông nam.
Năm 1947, quân Pháp đổ bộ đánh chiếm khu vực vùng ven biển nên đình bị đốt cháy. Năm 1963, người dân đóng góp công sức xây dựng lại đình trên vị trí cũ. Đình lúc này được xây dựng kiểu nhà cấp 4, gồm 3 gian, có miếu thờ bà Hậu Thổ trong khuôn viên của đình. Đến những năm 80 thế kỷ XX, do yêu cầu quy hoạch lại khu dân cư và xây dựng trường học, ngôi chùa Đông Quang được xây dựng cạnh đình.
Đến năm 2005, được sự đồng ý của chính quyền địa phương và nguyện vọng của người dân, đình Đông Tác được xây dựng ở vị trí cách ngôi đình cũ 500m trên một diện tích đất rộng rãi thuộc khu phố 4, phường Phú Đông. Ngôi chánh điện có kiến trúc kiểu nhà cấp 4, tường bằng gạch, mái lợp ngói tây. Trên mái chánh điện có đắp nổi cặp rồng theo thế lưỡng long chầu nhật, gia tăng sự cổ kính và linh thiêng cho ngôi đình.
Trong bàn thờ của chánh điện có 3 ban thờ: chính giữa thờ Thành hoàng và các thần bản địa, hai bên thờ tiền hiền và hậu hiền. Giữa các ban thờ là các câu đối viết bằng chữ Hán có nội dung thể hiện khát vọng về sự sung túc của một vùng đất và ngợi ca công đức của các bậc tiền hiền, hậu hiền.
Gia tăng sự đoàn kết của cộng đồng dân cư
Ngoài giá trị về mặt lịch sử, hiện vật quý báu nhất còn lưu giữ tại đình Đông Tác là 2 đạo sắc phong dưới triều Tự Đức thứ 5 (1852) và Duy Tân thứ 3 (1909) đang phụng thờ tại đây.
Hai sắc phong này không còn nguyên vẹn, đã bị mủn nát nhưng được phục chế trưng bày tại đình, có nội dung: “Sắc cho Bạch Mã tôn thần vốn được phong tặng Dương uy Ngự võ Bảo chướng Kiện thuận Hòa nhu Thượng đẳng thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm. Nay Trẫm cả vâng mệnh lớn, nghĩ đến ơn đức của thần, tặng thêm mỹ tự là Dương uy Ngự võ Bảo chướng Kiện thuận Hòa nhu Hàm quang Thượng đẳng thần. Vẫn chuẩn cho thôn Đông Yên, huyện Tuy Hòa phụng thờ như cũ. Thần hãy che chở trợ giúp dân ta” và “Sắc chỉ cho thôn Đông Tác, phủ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên từ trước đã phụng thờ: Dương uy Ngự võ Bảo chướng Kiện thuận Hòa nhu Hàm quang Dực bảo Trung hưng Bạch Mã Thượng đẳng thần; Dương trạch Hiệp hóa Hiển linh Trợ quảng Uông nhượng Dực bảo Trung hưng Ngũ Vị Long Vương Trung đẳng thần; Hậu tế Quảng thi Bác huệ Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng Thổ Địa tôn thần; Từ tế Chương linh Trợ tín Sắc chỉ Dực bảo Trung hưng Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần, từng được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Năm Duy Tân thứ nhất, nhân đại lễ lên ngôi, đã ban bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc. Đặc biệt chuẩn cho phụng thờ như cũ, dùng để ghi nhớ ngày vui của nước mà tỏ rõ phép tắc thờ tự”.
Nội dung sắc phong thờ phụng tại đình đã phản ảnh tín ngưỡng của cộng đồng cư dân ở đây về các vị thần liên quan đến công việc đánh bắt trên biển như Ngũ Vị Long Vương, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân cũng như các vị thần ngự trị trong đời sống hằng ngày về đất đai như Bạch Mã, Thổ Địa, Thành hoàng.
Có thể nói, trong tâm thức mỗi người dân làng Đông Tác xưa và nay, đình làng Đông Tác đã trở thành vốn quý, tài sản chung của cộng đồng dân cư. Vì vậy, họ luôn có ý thức giữ gìn sự tôn nghiêm, tính thiêng của ngôi đình. Bên cạnh đó, các sắc phong, nghi thức tế lễ của đình làng Đông Tác còn là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho các hoạt động nghiên cứu tín ngưỡng, văn hóa dân gian địa phương. |
Thời kỳ trước năm 1945, nghi lễ cúng đình Đông Tác được ban quản lý đình thực hiện mỗi năm 2 kỳ vào mùa xuân và mùa thu. Nghi thức tế lễ có chủ tế, bồi tế, có đọc chúc văn kèm theo cờ trống và nhã nhạc. Đặc biệt là nghi lễ rước sắc thần về đình rất long trọng.
Ngày nay, việc cúng đình được tiếp tục duy trì với nguồn kinh phí đóng góp của người dân. Vật phẩm để dâng cúng lên thần linh và các bậc tiền, hậu hiền là hương đăng, hoa quả và thịt gà, heo. Cúng đình là dịp để người dân khu phố họp mặt, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh cũng như gia tăng sự đoàn kết của cộng đồng dân cư.
TS ĐÀO NHẬT KIM
Nguồn: https://baophuyen.vn/94/317715/dinh-lang-dong-tac-va-tin-nguong-tho-than-dat-dai-bien-ca.html