Ngoài chính sử triều Nguyễn, những truyền tụng trong dân gian, nguồn tư liệu về Phú Yên thế kỷ XIX khá khiêm tốn. Chính vì thế, sau khi ra đời, tác phẩm “Du ký Trung Kỳ theo đường cái quan” của Camille Paris được bạn đọc, nhất là những nhà nghiên cứu lịch sử quan tâm.
Bài viết xin phác thảo hình ảnh Phú Yên cuối thế kỷ XIX, một trong những địa phương có đường cái quan đi qua thông qua ghi chép của Camille Paris, nhằm cung cấp thêm thông tin cho các nhà nghiên cứu, góp phần minh định được Phú Yên trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động này.
Nhiều địa danh không còn hoặc đã đổi tên
Ghi chép về Phú Yên thuộc phần 3, chương 1 có tiêu đề “Từ Bình Định đến Tuy Hòa” với 16 trang, cả chú thích, bản đồ, ảnh vẽ. Mở đầu tác giả viết: “Tóm tắt: Chợ Vân Hội những ngày giáp tết – Từ Vân Hội đến Sông Cầu – Từ Sông Cầu đến Vũng Lắm – Từ Vũng Lắm đến Tuy Hòa bằng thuyền – Từ Vũng Lắm đến Tuy Hòa bằng đường bộ”.
Khi mô tả không khí tại một số địa danh giáp ranh giữa Bình Định và Phú Yên cuối thế kỷ XIX mà nay không còn nữa hoặc đã đổi tên như chợ Vân Hội, sông Mui-Dac.., tác giả cho biết làng mạc nơi đây san sát, ruộng lúa tít tắp. Đặc biệt, những ngày giáp tết thời tiết đẹp, đường cái quan rộng, ngựa đi hàng ba. Các quán ăn rất sôi động, người ta uống trà, uống rượu, ăn đậu, cơm, những hạt cơm trắng như tuyết tô điểm bằng những miếng thịt heo nấu đông hoặc nước mắm.
Camille cảm nhận, tết là dịp lễ quốc gia mà mọi tầng lớp đều mong chờ. Người nghèo muốn đổi đồ đạc trong nhà. Thương nhân bán tống bán tháo hàng hóa, người bán pháo rong, bán nhang thơm, bán hình phật, hình nhân thế mạng bằng tre bọc ngoài bằng giấy màu sặc sỡ. Người ta xẻ thịt heo, vun quả cau thành đống, nhà giàu thì mua vải làm khăn, mũ. Cần phải có tiền và có cái gì mới nếu không phải bán hết đồ cũ đi. Dịp này, người ta quét dọn nhà cửa, sơn lại bàn thờ tổ tiên, thay tất cả bùa chú, bùa hộ mệnh, câu đối, những bức phúng dụ giấy vàng, treo hoặc dán trong nhà và trước cửa từ tết năm trước. Thật là vui và thú vị, bọn trẻ con mặc áo đẹp, đội nón rộng vành che nắng. Từ trẻ con tới người già đều ăn mặc đẹp khác với ngày thường.
Tác giả cho biết tiếp, Bình Phú nằm giữa đèo và nơi tiếp giáp giữa 2 tỉnh Bình Định – Phú Yên, tên của ngôi làng là 2 chữ đầu tên của 2 tỉnh. Người của trạm (các dịch trạm trên đường cái quan – PV) và gia đình họ sống trong khoảng 60 ngôi nhà và một vài người “nhà quê” mở quán ăn. Như vậy, khu vực gần các dịch trạm khá đông dân cư.
Qua khỏi đèo là thấy làng Long Thạnh nằm giữa thung lũng, hai bên đường là những cánh đồng lúa và khóm tre ôm lấy thôn xóm hay nhà cửa. Cách đó 3 cây số, Camille gặp chợ Thạch Khê. Để đến được chợ, đoàn của Camille phải vượt qua 6 cây cầu gỗ bắc qua rất nhiều suối. Có điều thú vị tác giả ghi chép trong tác phẩm là dừa ở đây được trồng nhiều hơn ở Quy Nhơn; chợ Thạch Khê đặc biệt nhiều gạo, bắp và cá muối. Qua khỏi Thạch Khê, ngôi làng đầu tiên họ gặp có một cái chợ ở đầu làng, chợ Bình Thạnh. Làng này nằm giữa những cánh đồng lúa và rặng dừa rất đẹp, với có khoảng 400 nóc nhà.
Dịch trạm trên đường cái quan đi qua Phú Yên là một trong những vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu thời nay quan tâm. Camille cho biết, trạm Phú Khê cách Bình Thạnh 4 cây số, ngay chỗ bắt đầu dãy Tam Hội. Một vài túp lều san sát nhau làm chỗ sinh hoạt cho nhân viên trạm và cũng là nhà cửa duy nhất ở đây.
Đậm đặc thông tin địa hình, kinh tế, xã hội
Đoàn của Camille không dừng lại ở Lệ Uyên, một ngôi làng chừng 200 nóc nhà, mà tới thẳng Sông Cầu, lỵ sở mới của Phú Yên từ tháng 2/1889. Nơi này có một phó công sứ cai quản với sự trợ giúp của một tuần phủ. Văn phòng điện báo đặt ở Vũng Lắm đã dời theo tòa công sứ, trạm hải quan và bến tàu thủy cũng vậy.
Theo ghi chép của Camille, chợ Sông Cầu bấy giờ có vô số loại cá biển và cá nước ngọt, dừa, lúa gạo, bắp, khoai, thịt heo, thừng chão (một dạng sợi vải, sợi gai – PV), lưới và chum vại.
Một sinh hoạt văn nghệ được Camille ghi chép khá thú vị, đó là gánh hát rong. Ở những bãi công cộng, gánh hát rong treo nhạc cụ vào một cái dây và gõ trống chiêng, thanh la, và khi muốn thật ồn ĩ, họ thi nhau gào lên những âm thanh mũi và họng. Một chú nhóc đi xin tiền khán giả xung quanh. Rồi pháo nổ tứ phía, có cả pháo sáng nữa, ai cũng phải gây tiếng ồn mới được. Đó là một đêm trước tết.
Từ Sông Cầu đến Vũng Lắm, tác giả mô tả: “Phía bên kia Sông Cầu là làng Long Bình, dân làng sống bằng nghề chế tạo thuyền và ghe. Chúng tôi tiến dần đến đồi Quan Quít (Dốc Quýt ngày nay – PV), khắp nơi đều được canh tác, như để bác bỏ cảm nhận của tôi ngày hôm trước. Chúng tôi mất 50 phút để vượt qua nhưng đã dành hẳn 15 phút trên đỉnh để chiêm ngưỡng những sườn đồi của vịnh Vũng Lắm, cả một vùng được khẩn hoang duyên dáng, chia ô vuông vức bằng hàng rào cây cối dày đặc…”. Điều này khiến đoàn của Camille ngạc nhiên vì họ nghĩ nỗi sợ sâu thẳm của người An Nam là những gì nằm cách xa biển và chỉ có người miền núi mới nhẫn nại khai hoang.
Giữa đồng bằng trong một vùng cây lá um tùm có 500 ngôi nhà của làng Khoan Hậu. Chợ trong làng dồi dào cá, gạo, bắp, dầu, cau, thuốc lá, thịt heo. Các vùng lân cận trồng lúa, bắp, mía, đậu và khoai. Sau 25 phút, Camille có mặt ở Vũng Lắm từ lối vào vịnh. Theo ông, đó là một vịnh lý tưởng, đẹp như mơ với rặng dừa phía xa, những tàu dừa nổi bật trong không trung, mặt nước tĩnh lặng, êm ái, xanh biếc như trời phản chiếu. Những sườn đồi vỡ đất, trông ra vịnh, được chia thành từng ô nhỏ cho mỗi người dân trồng khoai và ngô, khiến khung cảnh có hương vị đồng quê hiếm gặp ở xứ nhiệt đới, nơi thú hoang, cá sấu luôn nằm sẵn trên bờ sông hay dưới tán cọ.
Từ Vũng Lắm đến Tuy Hòa bằng thuyền buồm, Camille mang theo 6 thuyền nhỏ chở dây cáp buộc xoắn lại để đi qua sông Đà Rằng có chiều rộng 3,5 cây số. Ông miêu tả khi đi ngang qua Lao Mái Nhà thì gặp một trận cuồng phong, họ phải thả neo trong một vũng sâu 2m nhưng không đủ an toàn để đổ bộ. Rạng sáng, biển êm, họ tiếp tục hành trình hướng vào Hòn Than, nhìn thấy núi Chóp Chài, đèo Cả…
Từ Vũng Lắm đến Tuy Hòa bằng đường bộ, Camille đã cóp nhặt khắp nơi thông tin về địa hình và kinh tế các địa danh thuộc huyện Tuy An. Trong đó, Phú Vinh, cách một giờ rưỡi, có trạm và làng chừng 100 nóc nhà. Đây là nơi có phế tích, thời gian qua TP Tuy Hòa đã khảo sát để xác định vị trí trạm dịch Phú Vinh. Phía Tây đường cái bị cát lấn và con đường bắt đầu uốn lượn theo đụn cát. Ở đây có một khu truyền giáo nằm trong vùng phụ cận, trên những quả đồi đầu tiên. Thông tin này khá ý nghĩa vì các nhà nghiên cứu cũng đang xác định vị trí của một phế tích thiên chúa giáo tại đây.
Camille Paris (1856-1908) sinh tại Lunéville, Pháp và mất tại Phú Phong, Bình Định, từng là một nhà khảo cổ và viên chức của chính quyền thuộc địa Pháp. Camille đã tham gia chiến dịch Bắc Kỳ 1884-1885, sau đó đảm trách xây dựng đường điện báo tại Trung Kỳ từ năm 1885-1889. Ông rất say mê bản đồ học, khảo cổ học, dân tộc học và được biết đến nhiều nhất bởi công lao phát hiện ra thánh địa Mỹ Sơn năm 1889, trong một cuộc thám hiểm vào lãnh thổ Chàm.
Tác phẩm “Du ký Trung kỳ theo đường cái quan” của Camille Paris được viết trên nền trải nghiệm sâu sắc thực địa trong quá trình xây dựng đường điện báo nối kinh đô Huế với Nam Kỳ. Đường cái quan dài khoảng 1.700 cây số, là huyết mạch nối các thành thị lớn từ Bắc tới Nam. Trong vai trò là một nhà bản đồ học, Camille Paris hoàn toàn bị cuốn hút bởi con đường huyền thoại này.
“Du ký Trung Kỳ theo đường cái quan” đặc biệt hơn cả là ở bộ địa danh dày đặc, lý thú mà nhiều trong số đó đến nay đã chìm vào quên lãng. Xoay quanh các đô thị trung tâm, tác giả còn đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến đời sống của các tầng lớp xã hội và có nhiều đánh giá xác đáng về kinh tế, thương mại, tôn giáo của mỗi địa phương. |
TRẦN THANH HƯNG
Nguồn: https://baophuyen.vn/94/322486/dien-mao-phu-yen-cuoi-the-ky-xix-qua–du-ky-trung-ky-theo-duong-cai-quan.html