Trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú; thực hiện định hướng quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, huyện Phú Hòa xác định đầu tư để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Để mục tiêu này sớm trở thành hiện thực, huyện Phú Hòa quan tâm đầu tư công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch.
Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phú Hòa. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Mới đây, Phú Hòa tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử gắn với phát triển du lịch.
Di sản văn hóa – tài nguyên quý
Di sản văn hóa là tài nguyên, là động lực cho phát triển du lịch. Du lịch là một cách thức, phương tiện để chuyển tải di sản văn hóa bản địa đến du khách. Giữa du lịch và văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng. Phát triển du lịch không ngoài mục tiêu bảo tồn và phát huy văn hóa. Ngược lại, bảo tồn phát huy di sản văn hóa sẽ là nguồn tài nguyên phong phú cho du lịch.
Thực tế, ngành Du lịch trên thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng luôn đề cao giá trị di sản văn hóa. Ngành Du lịch xem di sản văn hóa là nền tảng, trụ cột, tài nguyên quý, sự độc đáo riêng có để phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực.
Phú Yên là một trong các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, sở hữu hệ thống di sản văn hóa, nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, có giá trị cao. Trong đó, Phú Hòa là huyện đồng bằng châu thổ trù phú tả ngạn Sông Ba, là quê hương thứ hai của Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh, vị Thành hoàng có công khai mở vùng đất trấn biên Bà Đài – Đà Diễn xưa, Phú Yên ngày nay. Trên quê hương Phú Hòa có hệ thống di tích danh thắng khá đặc trưng gắn với văn hóa nông nghiệp, nông thôn, hoàn toàn có thể đầu tư, bảo tồn, phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng.
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, di sản văn hóa lịch sử là tài nguyên quý cho du lịch phát triển, bởi đây chính là yếu tố đặc trưng, khác biệt khi hình thành, phát triển sản phẩm du lịch. Điều này không chỉ mang lại những kết quả tăng trưởng lan tỏa nhiều mặt về KT-XH, mà còn bảo tồn chính di sản văn hóa. Không có sản phẩm du lịch nào không mang nội dung, không thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền.
Phú Hòa là vùng đất trung du có một hệ thống di tích lịch sử – văn hóa lâu đời của tỉnh và từng là nơi giữ vị trí trung tâm của tỉnh từ thời khai mở đất. Công cuộc khai hoang, lập làng trên vùng đất phía Bắc sông Đà Rằng (vùng đất thuộc huyện Phú Hòa ngày nay) đã gắn liền với tên tuổi và công lao của vị tiền hiền – Thành hoàng tỉnh Phú Yên là danh nhân Lương Văn Chánh. Thật dễ hiểu khi trên địa bàn huyện Phú Hòa có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và cả những tài nguyên thiên nhiên quý như suối nước nóng Phú Sen, gành đá Mỹ Hòa…
Đoàn rước sắc, rước linh trong lễ hội đền Lương Văn Chánh (huyện Phú Hòa). Ảnh: TRẦN QUỚI |
Ông Nguyễn Bá Khải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa khẳng định: Phát triển du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực phát triển KT-XH của tỉnh nói chung và huyện Phú Hòa nói riêng. Huyện ủy Phú Hòa triển khai Kế hoạch 85-KH/HU ngày 1/11/2021 để thực hiện Chương trình hành động 09 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Theo thống kê của ngành Văn hóa, Du lịch, trên địa bàn huyện Phú Hòa có gần 100 di tích lịch sử, văn hóa được gìn giữ khá tốt trong cộng đồng dân cư, trong đó có 20 di tích được Nhà nước xếp hạng, gồm 3 di tích quốc gia: Di tích khảo cổ Thành Hồ (thị trấn Phú Hòa), Di tích lịch sử văn hóa Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh (thôn Long Phụng, xã Hòa Trị), Di tích danh thắng Đập Đồng Cam (xã Hòa Hội) và 17 di tích cấp tỉnh.
Nếu xét ở góc độ đặc trưng trong hệ thống di sản văn hóa lịch sử thì Phú Hòa là một trong những địa phương có mật độ di tích đậm đặc, đồng thời mang những giá trị riêng có. Ở đây không như các địa phương ven biển khác trong tỉnh, hay các huyện miền núi, Phú Hòa là vùng đồng bằng trung du, ven sông Ba nên mang hình ảnh đặc thù của một vùng đồng bằng châu thổ: đồng ruộng rộng lớn, làng quê ven sông rất thơ mộng và lãng mạn.
Nhận diện đúng, đầu tư xứng tầm
Sở hữu nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, trong quan điểm và nguyên tắc của bảo tồn di tích văn hóa lịch sử cần thống kê, rà soát một cách chi tiết, đầy đủ, từ đó có kế hoạch đầu tư cho công tác bảo tồn. Tuy nhiên, trong điều kiện đầu tư có hạn và hướng đến hiệu quả của việc đầu tư phát huy giá trị di tích để phát triển du lịch, việc đánh giá đúng giá trị và sự phù hợp với sự phát triển du lịch là rất quan trọng, vì không phải di tích nào sau khi được đầu tư đều trở thành điểm đến du lịch.
Đoàn khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh đến tham quan đền thờ và tìm hiểu về Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh, Thành hoàng vùng đất Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Phan Đình Phùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Các địa phương nói chung, Phú Hòa nói riêng cần đánh giá có hệ thống và khoa học, nhận diện đúng và đầy đủ hơn về giá trị của các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, từ đó tập trung nguồn lực đầu tư trở thành điểm đến khai thác du lịch. Việc xác định này nếu không trúng (mặc dù đúng) sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí lãng phí nguồn lực…”.
Tại hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phú Hòa, các nhà khoa học đã thống kê hệ thống di sản lịch sử văn hóa, phân tích thực trạng, thế mạnh, đề xuất các giải pháp cụ thể trong công tác bảo tồn, phát huy di sản gắn với phát triển du lịch. Trong đó nhận diện một số di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, tài nguyên thiên nhiên có giá trị lớn, mang tính đặc trưng để phát triển du lịch: Di tích lịch sử văn hóa Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh, Di tích danh thắng Đập Đồng Cam, Di tích khảo cổ Thành Hồ.
Ngoài 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, trên địa bàn Phú Hòa còn có nhiều di tích văn hóa là những thiết chế văn hóa như lẫm, đình, nhà thờ, văn miếu, làng cổ, làng nghề và các di tích danh thắng, như suối nước nóng Phú Sen, Ngũ đài sơn…
Ông Lê Ngọc Tính, Bí thư Huyện ủy Phú Hòa khẳng định: Phú Hòa đang tập trung các nguồn lực đầu tư, giải pháp thực hiện Kế hoạch 85-KH/HU ngày 1/11/2021 để đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần chương trình hành động của tỉnh. Phú Hòa đang tranh thủ mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa cho các dự án lớn trên địa bàn huyện. Trong đó có Dự án công viên đền thờ Lương Văn Chánh và dự án du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh suối khoáng nóng Phú Sen, dự kiến sẽ triển khai vào năm 2025. Khi hai dự án này đi vào hoạt động, hy vọng góp phần thay đổi diện mạo nền du lịch của huyện.
Huyện Phú Hòa cần đánh giá có hệ thống và khoa học, nhận diện đúng, đầy đủ hơn về giá trị của các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, từ đó tập trung nguồn lực đầu tư trở thành điểm đến khai thác du lịch. Việc xác định này nếu không trúng (mặc dù đúng) sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí lãng phí nguồn lực…
Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Phan Đình Phùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh |
TRẦN QUỚI
Nguồn: https://baophuyen.vn/377/322231/bao-ton-di-san-de-phat-trien-du-lich.html