Năm qua, tình hình KT-XH còn khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Trong bối cảnh này, tín dụng chính sách xã hội trở thành một trong những nguồn lực quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ông Hồ Văn Thục |
Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh nội dung nói trên, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) cho biết:
– Trong năm qua, NHCSXH Phú Yên đã tham mưu Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và cấp huyện giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đến các xã, phường, thị trấn để triển khai cho vay với số tiền hơn 379 tỉ đồng; trong đó, nguồn vốn trung ương gần 305,5 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương gần 73,6 tỉ đồng.
Với nguồn vốn này cộng vốn thu hồi xoay vòng, NHCSXH Phú Yên và các phòng giao dịch trực thuộc đã giải ngân hơn 1.970 tỉ đồng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của 42.461 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
* Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Phú Yên năm vừa qua?
– Năm 2024, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 15.528 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện sản xuất kinh doanh; hơn 30.500 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được sửa chữa, xây dựng mới; hơn 2.200 hộ vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh; thu hút gần 10.000 lao động có việc làm; hơn 5.100 hộ vay vốn cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học, cao đẳng; 76 căn nhà ở xã hội, 196 căn nhà cho hộ đồng bào DTTS theo Nghị định 28/NĐ-CP được xây dựng; 99 người chấp hành xong án phạt tù có vốn sản xuất kinh doanh ổn định cuộc sống…
Qua đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đến cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh là 4.818 tỉ đồng, tăng 386 tỉ đồng so với đầu năm, tỉ lệ tăng 8,7%, với trên 93.047 hộ còn dư nợ, chiếm khoảng 35% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
* Tròn 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Chỉ thị 39-CT/TW, ngày 30/10/2024 về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về điều này?
– 10 năm qua, thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố luôn ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.
Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại xã An Hòa Hải (huyện Tuy An). Ảnh: LÊ HẢO |
Đặc biệt, trong năm 2024, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng số tiền gần 73,6 tỉ đồng; trong đó, ngân sách cấp tỉnh 25 tỉ đồng, ngân sách cấp huyện hơn 28 tỉ đồng, lãi nhập nguồn hơn 20,5 tỉ đồng.
Tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đến 31/12/2024 gần 373 tỉ đồng, chiếm 7,73% tổng nguồn vốn cho vay trên địa bàn.
Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các hội đoàn thể nhận ủy thác, chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì ổn định, tỉ lệ nợ quá hạn 0,16%. Công tác kiểm tra giám sát cũng được chú trọng thực hiện.
Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, NHCSXH Phú Yên và các phòng giao dịch trực thuộc, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát.
MTTQ và tổ chức chính trị – xã hội các cấp thường xuyên quan tâm đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng cao hiệu quả giám sát xã hội đối với việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Tròn 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Chỉ thị 39-CT/TW, ngày 30/10/2024 về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.
Hiện NHCSXH Phú Yên đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW trên địa bàn tỉnh. Chi nhánh cũng sẽ tham mưu thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội; tham mưu bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương thác sang NHCSXH để cho vay năm 2025 nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…
* Một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới là thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030. Liên quan đến điều này, NHCSXH Phú Yên sẽ làm gì, thưa ông?
– Thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 theo Kế hoạch 158/KH-UBND của UBND tỉnh, năm 2025 và những năm tiếp theo, NHCSXH Phú Yên tiếp tục phối hợp các sở, ban ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; gắn tín dụng chính sách xã hội với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, qua đó phát huy hiệu quả sử dụng vốn vay.
Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội, xử lý kịp thời các tồn tại, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Qua rà soát nhu cầu vốn giai đoạn 3 năm 2025-2027 và giai đoạn 2026-2030, dự kiến tỉ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh bình quân hàng năm là 10,6%. Đến 31/12/2030, dự kiến tổng dư nợ toàn tỉnh là 8.850 tỉ đồng, tăng 4.020 tỉ đồng so với năm 2024; trong đó, nguồn vốn địa phương 1.330 tỉ đồng, tăng 957 tỉ đồng so với năm 2024, chiếm tỉ lệ 15% tổng nguồn vốn.
Đến cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh là 4.818 tỉ đồng, tăng 386 tỉ đồng so với đầu năm, tỉ lệ tăng 8,7%, với trên 93.047 hộ còn dư nợ, chiếm khoảng 35% tổng số hộ dân toàn tỉnh. |
Để triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, ngoài nguồn vốn trung ương phân bổ, NHCSXH Phú Yên kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương năm 2025, giai đoạn 2025-2030 và đến năm 2030 chiếm 15% tổng nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh (bình quân hàng năm 160 tỉ đồng).
Đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 để bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH. UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi tăng cường nguồn vốn ủy thác địa phương để cho vay hỗ trợ tạo việc làm và cho vay nhà ở xã hội; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát gửi các khoản tiền nhàn rỗi, các quỹ không có nguồn gốc từ ngân sách vào NHCSXH nhằm góp phần tăng cường nguồn lực, bổ sung nguồn vốn để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội…
* Xin cảm ơn ông!
LÊ HẢO (thực hiện)
Nguồn: https://baophuyen.vn/82/325157/nang-cao-hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-trong-giai-doan-moi.html