Trung úy Ngô Minh Thơ là người có mặt từ những ngày đầu thành lập Đại đội K60, đơn vị bảo vệ bến Vũng Rô, đón những chuyến tàu Không số cách đây 60 năm. Ông và đồng đội chiến đấu giáp lá cà để bảo vệ tàu và bến sau sự cố tàu 143 bị lộ. Sau được điều chuyển nhiều đơn vị, ông vẫn là chú lính chì gan dạ…
Trung úy Ngô Minh Thơ bị vết thương cũ hành hạ và bệnh lệch đĩa đệm, cố gắng có mặt trong ngày vui ra mắt hồi ký “Nhớ và ghi lại” của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu Không số 41 ba lần cập bến Vũng Rô. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Trung úy Ngô Minh Thơ (quê xã Hòa Hiệp, nay là phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa) tự hào nhớ lại chiến tích một thời ở Đại đội K60, rồi Tiểu đoàn Đặc công 30, Tiểu đoàn 96… Lúc nào Ngô Minh Thơ, chiến sĩ nhỏ người nhưng lanh lẹ cũng dẫn đầu cờ thi đua quyết thắng. Ở tuổi 76, ông vẫn được anh em, đồng đội gọi bằng biệt danh dễ thương: Lính chì Năm Thơ!
Một thời hoa lửa
Ông Ngô Minh Thơ sinh năm 1948 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Cha ông đi làm cách mạng rồi hy sinh. Người anh trai và em trai của ông tiếp bước cha đi làm cách mạng cũng hy sinh. Người em út của ông bị địch bắt bỏ tù rồi chết trong tù. Năm Thơ là con thứ năm trong nhà, từ nhỏ đã chứng kiến những cảnh giết chóc, tang thương bởi bom đạn kẻ thù. Ông căm thù, muốn góp sức nhỏ bé của mình để mong đất nước sớm hòa bình và đã trở thành giao liên từ 12-13 tuổi.
“Tháng 2/1964, khi có lệnh động viên thanh niên, du kích Hòa Hiệp vào bộ đội để thành lập Đại đội K60 ở căn cứ Miền Đông, tôi xung phong ngay. Tôi được bố trí làm liên lạc cho Ban chỉ huy Đại đội K60. Anh Hồ Thanh Bình là đại đội trưởng, Phạm Ân là chính trị viên, anh Nguyễn Ngọc Cảnh là đại đội phó. Ngoài nhiệm vụ liên lạc, tôi còn tham gia bảo vệ bến và giao hàng cho từng đơn vị để dân công vận chuyển về kho hậu cứ…”, ông Năm Thơ nhớ lại những ngày đầu nhập ngũ.
Cuộc chiến chống càn của địch để bảo vệ tàu, bảo vệ bến, sau sự cố tàu 143 bị lộ vào ngày 16/2/1965 là trận đầu của ông Năm Thơ và những thanh niên xã Hòa Hiệp mới nhập ngũ ở đơn vị K60.
Khi tàu 143 bị lộ, máy bay trinh sát (L19), máy bay chiến đấu “cánh dơi” quần đảo bắn rốc két thẳng xuống bãi Chùa nơi ngụy trang giấu tàu. Ngoài biển, tàu bắn pháo hạm. Buổi tối, địch bắn đèn sáng, một tấm dù to, một lần địch bắn cả chục cái đèn, sáng như ban ngày để quân ta không thể di chuyển.
Sang ngày thứ hai, quân ta ẩn nấp trong các gộp đá, chiến đấu với địch, dùng súng DKZ 75 và DK 57, cối bắn trả vào tàu địch ngăn không cho bộ binh đổ bộ. Anh em các đơn vị bảo vệ bến bị thương nhiều, do máy bay thả bom.
“Vào ngày thứ ba của trận đánh bảo vệ bến, tôi bị thương ở chân phải, anh Nguyễn Ẩn (Phú Thọ 3) cõng tôi (hồi đó chỉ cõng và khiêng), chạy về trạm xá căn cứ Miền Đông. Hồi đó bà Mẹo làm trưởng trạm, băng bó xong, tôi được khiêng lên bệnh xá ở Hòa Thịnh, sau mới chuyển lên bệnh viện huyện Y13. Thời gian ở đây, vừa điều trị, tôi vừa học được nghề y tá, sau bình phục, từ năm 1967 được đưa về Tiểu đoàn 30 (đặc công) và lập công ngay nên được kết nạp vào Đảng ngày 17/10/1967”, ông Thơ kể.
Thiết kế: TRẦN QUỚI |
Ở “địa ngục trần gian” Phú Quốc
Một trong những trận đánh đáng nhớ nhất trong đời ông là trận đơn vị ông đánh sân bay Đông Tác năm 1972. Đây là trận đánh lớn, có sự tham gia của nhiều đơn vị. Tiểu đoàn 30 đặc công có nhiệm vụ mở đường phá rào cho bộ binh đổ bộ. Lúc này, ông Thơ là trung đội trưởng Trung đội 3, có nhiệm vụ tiên phong cắt rào. Ông và các đồng đội đã cắt được 5-7 lớp rào, phát mật hiệu “50” và đèn trắng, tất cả hỏa lực đại liên, B40, B41, DKZ đồng loạt khai hỏa. Trong trận này, ông Thơ không rút kịp nên đã bị mảnh pháo găm vào đùi trái và trên đầu. Khi tỉnh dậy thấy mình nằm trong bệnh viện của Mỹ – ngụy.
Địch tra khảo, hỏi ông ở đơn vị nào? Trước sau ông Thơ khai: Tui là nhân công, được thuê đi vác đạn. Sau cấp cứu, địch dùng trực thăng chở ông và thiếu tá Sang cùng đơn vị Tiểu đoàn 30 và một số người bị thương ra bệnh viện ở Tuy Phước (Bình Định) trước khi bị chuyển ra “địa ngục trần gian” trại giam Phú Quốc.
Ngày 12/3/1973, ông Thơ được trao trả tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị) trong đợt đầu tiên. Lội đến nửa sông, ông Thơ và các đồng chí cởi đồ ném xuống sông, lên bờ khoác vào bộ quân phục. Lúc đó, mọi người cảm thấy như từ cõi chết trở về, biết là mình còn sống, được sống, như trong chiêm bao. Cuối năm 1973, ông Thơ trở lại Tiểu đoàn 30, tiếp tục chiến đấu chủ yếu ở mặt trận Phú Yên, Khánh Hòa.
Ngày 1/4/1975 giải phóng Phú Yên, ông Thơ trong Đại đội 3, Tiểu đoàn 96 tiếp quản Tỉnh đường Phú Yên.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Thơ được điều động làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 860, Bình Định) làm nhiệm vụ huấn luyện tân binh cho chiến trường K. Vết thương tái phát, sức khỏe không cho phép, ông được giải quyết chính sách, xuất ngũ năm 1985, với quân hàm trung úy.
Hơn 21 năm (1964-1985) chiến đấu, trung úy Ngô Minh Thơ đã lập nhiều chiến công, được tặng 3 Huân chương Chiến công, 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhì, kỷ niệm chương tù đày, là thương binh hạng 2/4.
Năng động trên mặt trận kinh tế
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hoa, người cùng xã, nhỏ so với ông 7 tuổi, vẫn chờ ông ngày trở về. Xuất ngũ, hai vợ chồng vào Đại Lãnh (Khánh Hòa) lập nghiệp.
Có nghề y học trong chiến tranh, ông xin phép hành nghề, bà Hoa vợ ông đi học hộ sinh, hai vợ chồng mở phòng hộ sinh và kinh doanh tân dược. Sau thấy nghề này liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, nhiều nguy hiểm, rủi ro, trong khi trình độ mình chưa cao, vậy là ông Thơ chuyển qua kinh doanh vàng bạc. Mở tiệm vàng, học nghề kim hoàn.
Năm 2000, vợ chồng ông Thơ chuyển qua nuôi tôm sú, khởi nghiệp với 1ha đìa. Ngay vụ đầu đã mang lại hiệu quả cao, thu được đến 3-4 tấn tôm. Có đà tốt, ông Thơ tìm mua thêm đìa mở rộng vùng nuôi, về lại hạ lưu sông Bàn Thạch quê hương.
25 năm lăn lộn với đồng tôm từ hạ lưu sông Bàn Thạch đến hạ lưu sông Đà Rằng (TP Tuy Hòa), và cả vùng nuôi tôm rộng lớn xã Ninh Thọ, Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), ông Thơ có vài mươi hécta đìa mặt tiền. “Chiến tích nuôi tôm” của ông Thơ được nhiều người biết đến, bởi sự chăm chỉ, vừa làm vừa học vượt qua thử thách. Ngay cả những người có chuyên môn cao về nuôi trồng thủy sản như TS Trần Thị Việt Ngân (nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Phú Yên), các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng biết đến những kỳ tích nuôi tôm của người chiến sĩ Đại đội K60 bảo vệ bến Vũng Rô năm nào.
Công việc thuận lợi, kinh tế khá giả, vợ chồng ông Thơ đầu tư nuôi con ăn học. Ba người con của ông nay đã trưởng thành, 2 con gái ở Đức và Thụy Sĩ, anh con trai thì đi về Singapore – Việt Nam làm kinh doanh.
Bản thân ông được dự nhiều hội nghị điển hình tiên tiến, tuyên dương, được nhận nhiều bằng khen do Trung ương Hội Nông dân, Trung ương Hội CCB trao tặng. Một điều rất đặc biệt là công việc lúc nào cũng bộn bề, bận rộn, nhưng ông luôn nhiệt tình với công tác hội, nhất là với Ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô, với những người đồng đội và cả những người lính Cụ Hồ mà ông chưa quen biết.
Trung úy Ngô Minh Thơ đọc 4 câu thơ nói về cuộc đời mình một cách ngắn gọn, nhẹ tênh: “Sáu tư bỏ ruộng lên tàu/ Biết bao năm tháng dãi dầu gió sương/ Bao năm chinh chiến chiến trường/ Hòa bình về với đời thường vợ con” (Sáu tư: năm 1964 – PV).
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ bến Vũng Rô, Đại đội K60 giải tán, Ngô Minh Thơ về tiểu đoàn đặc công (Tiểu đoàn 30), từng đánh căn cứ Đông Tác, khi đó tôi là Trưởng ban Tác chiến Tỉnh đội. Ngô Minh Thơ (sau khi bị địch bắt, tù đày rồi được trao trả) về Tiểu đoàn 96, anh chiến đấu rất cừ, nổi tiếng trong đơn vị, lập được nhiều chiến công.
Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh |
TRẦN QUỚI
Nguồn: https://baophuyen.vn/76/323076/ngo-minh-tho-chu-linh-chi-o-dai-doi-k60.html