Sở NN&PTNT vừa ban hành Kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2024-2030, trong đó một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Đề án trồng rừng gỗ lớn trong việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh trên lĩnh vực lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Bé, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT về những thuận lợi và khó khăn của việc trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Văn Bé |
* Việc triển khai Đề án trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?
– Năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt Đề án trồng rừng gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng giai đoạn 2017-2020, định hướng thực hiện giai đoạn 2021-2025 (Đề án). Đề án triển khai tại 5 ban quản lý rừng phòng hộ, 2 ban quản lý rừng đặc dụng và các công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích hơn 5.000ha (trồng rừng kinh doanh gỗ lớn hơn 2.900ha, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn hơn 347ha, trồng lâm sản ngoài gỗ hơn 1.200ha, trồng dược liệu hơn 459ha), được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, từ năm 2017-2020 là hơn 3.500ha, giai đoạn thứ hai từ năm 2021-2025 hơn 1.400ha.
Hằng năm, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT luôn quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án và kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của rừng, tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định để cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm gỗ rừng trồng, góp phần phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, tăng thu nhập cho tổ chức và người dân. Đây là cơ sở để thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp và kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh.
Năm 2024, các chủ rừng đã sử dụng các nguồn vốn sau khai thác rừng, vốn tự có, khuyến nông, khuyến lâm do trung ương hỗ trợ… để trồng rừng kinh doanh gỗ lớn với diện tích hơn 166ha. Lũy kế đến nay đã trồng rừng gỗ lớn được khoảng 3.000ha, với các loài cây như: keo lai, keo lá tràm, keo tai tượng, giáng hương, dầu rái, sao đen…
* Trong quá trình thực hiện Đề án, có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
– Xác định tầm quan trọng của Đề án, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thấy rõ lợi ích để đầu tư trồng rừng gỗ lớn, giảm khai thác gỗ non hoặc liên kết với các ban quản lý rừng, doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật trồng rừng và xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng trên diện tích được giao, thuê, góp phần nâng cao giá trị lợi nhuận trực tiếp từ rừng, cũng như giá trị gia tăng ngành Lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, sở yêu cầu đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu chọn giống đến trồng rừng thâm canh, chăm sóc, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng cũng được các chủ rừng đặc biệt quan tâm. Từ đó từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, phát triển vùng nguyên liệu ổn định đáp ứng nhu cầu của công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Theo đánh giá tổng quan, diện tích rừng trồng, rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh từng bước được nâng lên. Năng suất rừng trồng bình quân khi khai thác chính từ 15-20m3/ha/năm. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt bình quân trên 400.000m3/năm. Diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC hơn 11.524,5ha. Việc tổ chức thực hiện thành công Đề án sẽ góp phần ổn định nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thu hút lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương.
Về khó khăn, đó là diện tích và số hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn chưa đạt theo kế hoạch, chủ trương của ngành. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân.
Cụ thể, trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi phải có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp với loài cây trồng để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt, chu kỳ kinh doanh dài, nhu cầu vốn đầu tư lớn, trong khi điều kiện kinh tế của các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân còn khó khăn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình hình mưa bão, hạn hán trong thời gian qua diễn biến phức tạp, làm cho cây rừng bị gãy đổ, cháy, chết…
Việc đầu tư hạ tầng lâm nghiệp cũng còn hạn chế, việc tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lâm nghiệp chưa nhiều, dẫn đến chi phí đầu tư lớn, lợi nhuận thấp. Mặt khác, các doanh nghiệp, ban quản lý rừng còn khó khăn về nguồn vốn nên việc góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết chưa thể áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh.
* Vậy đâu là giải pháp thực hiện Đề án và kế hoạch trồng rừng gỗ lớn trong thời gian tới?
– Từ những khó khăn nêu trên, ngành Lâm nghiệp đề ra một số giải pháp để thực hiện Đề án trong thời gian tới. Trước hết là rà soát, đánh giá diện tích đất trống và rừng trồng sản xuất hiện có, xác định diện tích đất có điều kiện phù hợp với việc trồng mới, trồng lại rừng theo hướng thâm canh để kinh doanh gỗ lớn.
Bên cạnh đó cần đánh giá diện tích rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ nhỏ hiện có để xác định diện tích rừng có thể chuyển hóa để kinh doanh gỗ lớn. Cần xác định, việc xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn phải gắn với các cơ sở chế biến để thực hiện chuyển hóa rừng trồng và trồng rừng thâm canh gỗ lớn.
Về khoa học, công nghệ, cần quản lý chặt chẽ, có hiệu quả các nguồn giống; ưu tiên lựa chọn các giống cây trồng lâm nghiệp, lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có năng suất, chất lượng, phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu và đa dạng hóa loài cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó cần luân canh loài cây trồng, kết hợp phát triển cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng để nâng cao thu nhập, cải tạo môi trường đất và giảm nguy cơ sâu bệnh hại cây trồng. Đồng thời triển khai thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững; mở rộng đối tượng áp dụng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Về cơ chế, chính sách, tiếp tục thực hiện các chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; lồng ghép các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án liên quan vào nhiệm vụ phát triển trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời tạo cơ chế, chính sách để thu hút, huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giữa tổ chức, cá nhân trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi sản phẩm, trong đó doanh nghiệp làm trung tâm đầu mối liên kết các HTX, nhóm hộ gia đình, cá nhân có rừng trồng, đất lâm nghiệp để trồng rừng, chia sẻ lợi ích và có trách nhiệm trước những thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm gỗ rừng trồng.
Phú Yên sẽ phát triển vùng trồng rừng trồng sản xuất gỗ lớn tập trung với diện tích hơn 1.000ha; chuyển hóa gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn hơn 525ha, cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai. Tỉnh cũng bổ sung diện tích trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn đảm bảo đạt khoảng 10% tổng diện tích trồng rừng hằng năm. |
NGÔ NHẬT (thực hiện)
Nguồn: https://baophuyen.vn/82/323082/phat-trien-rung-trong-go-lon-mang-loi-ich-nhieu-mat.html