Sau 60 năm khi bến Vũng Rô đón chuyến tàu Không số đầu tiên, những trang sách về một thời “rạch biển Đông cứu sơn hà” đã đến với độc giả. Qua cuốn sách Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển và hồi ký Nhớ và ghi lại, bạn đọc hiểu thêm về những chuyến đi cảm tử vượt qua sóng dữ trùng dương, vượt qua lớp lớp tuần tiễu của địch, đưa vũ khí, đạn dược từ hậu phương lớn miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có chiến trường Phú Yên và các tỉnh Khánh Hòa, Nam Tây Nguyên.
Quyển Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển của nhiều tác giả và hồi ký Nhớ và ghi lại của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, Thuyền trưởng tàu 41, ra đời từ Chương trình đầu tư sáng tác sách sử thi về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính (Bộ Quốc phòng), nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô đón những chuyến tàu Không số đầu tiên (11/1964-11/2024).
1 Cuốn sách Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển (NXB Văn học) tập hợp nhiều bài viết, bài nghiên cứu của nhiều tác giả. Trong cuốn sách có bài viết Đường Hồ Chí Minh trên biển – Tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng của Chủ tịch nước, đại tướng Lương Cường. Bài viết được thực hiện khi đồng chí Lương Cường là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.
Đồng chí Lương Cường viết: “Quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã khai thông tuyến chi viện chiến lược trên biển cho chiến trường miền Nam, kết nối chặt chẽ hậu phương lớn miền Bắc XHCN với tiền tuyến miền Nam, kịp thời cung cấp sức người, sức của cho các lực lượng tiến hành đấu tranh vũ trang trên khắp các chiến trường.
Sự kiện này phản ánh tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong giải quyết mối quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến trong chiến tranh giải phóng dân tộc, đồng thời có ý nghĩa tạo nên sức mạnh, củng cố vững chắc niềm tin cho Nhân dân và các LLVT trên chiến trường miền Nam, nâng cao ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Trong bài viết Đường Hồ Chí Minh trên biển – Bài học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đại tướng – TS Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng không quên nhắc lại những gian khổ, hiểm nguy mà các cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu Không số đã trải qua: “Mỗi chuyến đi của tàu Không số là mỗi lần quyết tử, một cuộc đấu trí căng thẳng, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải vừa bình tĩnh, mưu trí, quả cảm, lừa dụ địch để đến đích an toàn, vừa sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh, nhiều khi phải phá hủy cả con tàu để bảo vệ bí mật đường vận chuyển.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, địch phong tỏa đường trong, ta đi đường ngoài; địch phong tỏa biển gần, ta đi biển xa; địch phong tỏa theo tuyến biển dài, ta đi phân đoạn; địch ngăn chặn tuyến này, bến này, ta mở ra tuyến khác, bến khác; địch phát hiện ra phương thức vận chuyển này, ta tìm phương thức vận chuyển khác…
Đường Hồ Chí Minh trên biển đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX như một thiên anh hùng ca bất tử, một chiến công chói lọi trên mặt trận chi viện chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời thể hiện nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh…”.
Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, qua những bài viết trong cuốn sách này, người đọc hình dung được tổng thể sự hình thành, phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển, những kết quả của con đường đóng góp vào sự nghiệp thống nhất giang sơn.
Đi từ tổng thể cho đến chi tiết, qua những bài viết của các nhà văn, nhà báo, chúng ta còn nhìn thấy từng con người trong hành trình ấy. Trong hành trình đường Hồ Chí Minh trên biển, rất nhiều anh hùng, rất nhiều bến đỗ, không chỉ có bến Vũng Rô, nhưng Vũng Rô là một địa danh quan trọng trong cuốn sách ấy.
Thiết kế: YÊN LAN |
2 Nếu Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển mang đến cho bạn đọc cái nhìn tổng quan, thì cuốn hồi ký Nhớ và ghi lại (NXB Văn học) của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh là ký ức không thể nào quên trên những hành trình sinh tử của một thuyền trưởng tàu Không số.
Tập sách có hai phần. Phần 1 gồm Những ký ức không phai, Về con tàu huyền thoại và những người chỉ huy tàu Không số, Những bài thơ viết cho con tàu Không số. Phần 2 tập hợp những bài viết về Anh hùng Hồ Đắc Thạnh. Phần thứ 2 bổ sung, hoàn chỉnh thêm bức chân dung Anh hùng Hồ Đắc Thạnh – một người con ưu tú của Phú Yên, đã bước qua 90 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, đã cùng đồng đội đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận xét rằng, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh đã chọn những thời điểm, sự kiện, chi tiết quan trọng nhất để nhớ và ghi lại, không bị sa vào dông dài. Và, trong cuốn hồi ký của mình, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh luôn đặt mình lẫn trong đồng đội, đặt những chiến công của mình lẫn trong chiến công của những con tàu Không số. Ông rất khiêm nhường khi viết về mình. Dưới đây là một đoạn trong hồi ký của người anh hùng đã 12 lần chỉ huy tàu Không số vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có 3 chuyến cập bến Vũng Rô và đều thành công.
“Để an toàn, tàu chúng tôi phải hành quân lúc biển sóng to gió lớn, nhằm giảm bớt sự giám sát của các tàu tuần tra địch. Chúng tôi không chỉ đối phó với những con sóng cao như mái nhà, những cơn tố, lốc, bão, mà còn phải đối phó với các tàu tuần tra của ngụy. Đến sau năm 1965 thêm tàu chiến Mỹ và máy bay địch quần thảo, theo dõi trên đầu. Chúng tôi đi đánh địch nhưng trên cột buồm lại là cờ địch. Cái sống, cái chết kề cận bên nhau. Chỉ một quả pháo bắn vào tàu, một cơn bão lốc cấp 12 có thể nhấn cả tàu xuống lòng biển cả. Vì vậy, trước mỗi lần xuất quân, Quân ủy Trung ương luôn cử các đồng chí lãnh đạo xuống động viên và ăn bữa cơm chia tay, mâm cơm tiễn biệt: “Các đồng chí ra đi hãy chiến thắng trở về, nhưng nếu phải hy sinh vì Tổ quốc thì đây là bữa cơm của Đảng tiễn biệt các đồng chí…”.
Dù vậy, đơn vị không ai nao núng, tất cả đều tỏ quyết tâm sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì miền Nam”.
Khi đọc bản thảo hồi ký Nhớ và ghi lại, nhà văn Nguyễn Bình Phương thực sự ngạc nhiên về khả năng viết văn rất tốt của Anh hùng Hồ Đắc Thạnh. “Văn của ông gọn gàng mạch lạc, đặc biệt là có tính gợi mở rất lớn… Cuốn hồi ký của Anh hùng Hồ Đắc Thạnh có giá trị về văn học, về giáo dục. Riêng về mặt xã hội, quyển hồi ký này còn truyền cảm hứng cho người đọc”, tác giả Mình và họ, Một ví dụ xoàng… chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cuốn sách Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển và hồi ký Nhớ và ghi lại thuộc hệ thống những cuốn sách lịch sử và có tác động lớn đối với thực tại thông qua việc giáo dục truyền thống cho những người trẻ hôm nay.
Hai cuốn sách này bổ trợ cho nhau. Chúng tôi hy vọng sách sẽ mang đến giá trị lớn cho bạn đọc trong và ngoài quân đội.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội |
YÊN LAN
Nguồn: https://baophuyen.vn/76/322666/nhung-trang-sach-giao-duc-truyen-thong-cho-lop-tre-hom-nay.html