Thực hiện Nghị quyết 04 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực thành lập mới nhiều mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp (gọi tắt chi hội nghề nghiệp). Các mô hình này đã phát huy hiệu quả, tạo nhiều sản phẩm và thu nhập cho nông dân, góp phần đổi mới hình thức hoạt động hội.
Liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất
Theo ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thực hiện Nghị quyết 04 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng mô hình chi hội nghề nghiệp đến đông đảo cán bộ, hội viên nông dân các cấp. Với tiêu chí 5 cùng (cùng lĩnh vực sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng sẻ chia, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi), các mô hình chi hội nghề nghiệp được thành lập bước đầu nâng cao tinh thần và trách nhiệm của hội viên, nông dân khi tham gia sinh hoạt, đồng thời giúp tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình.
Tổ hội hợp tác nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa tại phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa là một trong những mô hình được thành lập dựa trên các tiêu chí như vậy. Với mô hình này, năm 2019, Hội Nông dân phường Hòa Vinh đã triển khai đề án, tổ chức vận động 10 hội viên tham gia, lập thủ tục vay vốn và thuê ruộng sản xuất lúa kém hiệu quả với diện tích 2ha. Kết quả, năng suất tôm đạt từ 600-650kg/2ha/vụ, với giá bán 200.000-300.000 đồng/kg; năng suất lúa 6,5-7 tấn/2ha/vụ, với giá bán 6.000 đồng/kg, tổng thu 5 vụ gần 1 tỉ đồng, đã thu hồi được vốn và lãi hơn 150 triệu đồng.
Ông Lê Đăng Khôi, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa, chia sẻ: “Khi nghe Hội Nông dân phường vận động tham gia tổ hợp tác, tôi đăng ký ngay. Định kỳ mỗi tháng, các thành viên tổ chức gặp gỡ, trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong việc chăm sóc tôm, trồng lúa. Các thành viên còn góp vốn xây dựng quỹ để hỗ trợ thành viên khó khăn mua con giống, thức ăn”.
Thực hiện Nghị quyết 04 của Trung ương Hội, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân TP Tuy Hòa đã thành lập mới 9 chi hội nghề nghiệp và 41 tổ hội nghề nghiệp với gần 700 thành viên. Ông Nguyễn Trọng Thượng, Chủ tịch Hội Nông dân TP Tuy Hòa, cho hay: “Trước đây, các hộ gia đình sản xuất đơn lẻ, sản phẩm không đạt như mong muốn, sản phẩm tuy nhiều nhưng chưa gắn kết để tạo thành sản phẩm hàng hóa, thị trường tiêu thụ không ổn định. Sau khi tham gia vào chi hội nghề nghiệp, các hội viên được chuyển giao khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ vốn vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh”.
Tiếp tục định hướng, hỗ trợ
Theo Hội Nông dân tỉnh, sau khi các mô hình chi hội nghề nghiệp được thành lập, các cấp hội nông dân cùng chính quyền địa phương tạo điều kiện về nguồn vốn vay ưu đãi; mời kỹ sư, chuyên gia ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đến tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật; xây dựng các mô hình mẫu; kết nối các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh đến liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm. Qua 5 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 60 chi hội và 63 tổ hội nghề nghiệp với 8.650 thành viên. Riêng năm 2023, từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia, Hội Nông dân tỉnh đã ra mắt 10 chi hội nghề nghiệp tại 9 huyện, thị xã, thành phố.
Ông Nguyễn Tấn Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX Sông Cầu, cho biết: Chi hội nghề nghiệp là mô hình mới, Hội Nông dân thị xã luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hội viên nông dân cùng ngành nghề liên kết đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, hình thành kinh tế tập thể trong nông nghiệp, hướng tới xây dựng tổ hợp tác, HTX. Hội cũng tranh thủ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân cấp trên tạo điều kiện cho các chi hội nghề nghiệp vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho nông dân.
“Gia đình tôi nuôi cá mú gần 10 năm nay. Từ chỗ nuôi nhỏ lẻ, sau khi tham gia chi hội nghề nghiệp, tôi và các thành viên được hỗ trợ vốn (500 triệu đồng/10 hộ) từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để mở rộng diện tích nuôi”, ông Trần Lực, hội viên chi hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản tại xã Xuân Hải, TX Sông Cầu phấn khởi nói.
Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết 04 của Trung ương Hội, ông Phan Xuân Hạnh cho biết: “Thực tế, các chi hội nghề nghiệp hoạt động tạo sự gắn kết giữa xây dựng tổ chức hội với phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, làm tiền đề cho kinh tế tập thể phát triển. Để phát huy vai trò của chi hội nghề nghiệp, hội sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho chi hội trưởng, tổ trưởng để nâng cao chất lượng hoạt động các chi hội nghề nghiệp, tạo nền tảng phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới”.
Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các đề án: Xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025; Xây dựng mô hình điểm các chi hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc 5 tự, 5 cùng; Hội Nông dân tỉnh Phú Yên tham gia phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2020-2025…
Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh |
NGỌC HÂN