Mới đây, tại Khu du lịch Sao Mai, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông phối hợp Viện Kinh tế văn hóa tổ chức hội thảo chuyên đề Phát triển du lịch tỉnh Phú Yên. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý và có nhiều ý kiến tham luận, hiến kế cho du lịch xứ hoa vàng cỏ xanh.
Báo Phú Yên giới thiệu một số ý kiến tại hội thảo này.
PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ VIỆT NAM: Xây dựng đô thị du lịch
Phú Yên được xem là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, và thực tế, các nghiên cứu, khảo sát từ góc độ khoa học đến kinh tế đều cho thấy tiềm năng to lớn ấy, từ tài nguyên thiên nhiên đến tài nguyên nhân văn. Cách đây khá lâu, trong quy hoạch phát triển du lịch của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ cũng như của đất nước, Phú Yên được xác định là tọa độ phát triển tuyệt vời.
Phú Yên có xuất phát điểm thấp, quá trình đô thị hóa chậm, chất lượng đô thị chưa cao, quy mô nền kinh tế nhỏ. Bởi vậy, tỉnh thiếu nguồn lực để giải quyết các vấn đề cơ bản, và khi du lịch phát triển thì nguồn lực này càng thiếu.
Du lịch Phú Yên hiện nay như thế nào? Khi quan sát sự phát triển của các tỉnh miền Trung, điều quan trọng là cần phải phát triển đô thị, bất động sản du lịch, nhất là thu hút đầu tư, có các tập đoàn lớn để trở thành đầu tàu dẫn dắt thì mới bứt phá được. Gần đây nổi lên có Bình Định, họ có sự phát triển khá ấn tượng.
Thứ nữa là cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ trung ương để tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn. Trong đó, hạ tầng giao thông, sân bay, liên kết hàng không, xây dựng và phát triển đô thị du lịch, tôi cho là vấn đề quan trọng. Đồng thời theo tôi, cần phải xây dựng được đô thị du lịch. Đô thị Tuy Hòa mới chỉ là đô thị hành chính đơn thuần, chưa có sự phát triển của một đô thị thương mại, du lịch. Đơn cử là du khách đến Phú Yên, đến Tuy Hòa chỉ ăn, chơi rồi ngủ chứ thiếu những dịch vụ vui chơi, giải trí khiến du khách phải móc hầu bao.
TS TRẦN DU LỊCH, NGUYÊN ỦY VIÊN ỦY BAN KINH TẾ CỦA QUỐC HỘI: Phát triển du lịch đặt trong mối liên kết vùng
Du lịch miền Trung có một đặc điểm là sản phẩm du lịch tương đối giống nhau, với thế mạnh về du lịch biển đảo; các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với cộng đồng chưa phát triển đúng với tiềm năng. Trong suốt vài thập kỷ qua, ngoài địa phương có nền tảng mạnh về du lịch như Nha Trang (Khánh Hòa), nổi lên tiếp theo là Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), gần đây thì có thêm Quy Nhơn (Bình Định), các tỉnh còn lại hầu như chưa có nhiều chuyển biến.
Năm 2015, Phú Yên có một lợi thế lớn về truyền thông khi phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh nổi tiếng, được nhiều người trong nước và cả quốc tế biết đến. Những điểm nổi lên mà du khách có thể check-in qua phim ảnh chỉ là sự hiếu kỳ, đến cho biết chứ thật sự không phải vì có những sản phẩm du lịch hấp dẫn, lôi cuốn. Theo tôi, giải bài toán về phát triển sản phẩm du lịch và hạ tầng kỹ thuật cho du lịch mới là điều kiện tối cần thiết. Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía đông qua địa phận Phú Yên đang được triển khai, khi hoàn thành, đấu nối sẽ là điều kiện thuận lợi cơ bản, giúp tỉnh có thể đột phá.
Thời điểm hiện tại, tôi nghĩ tỉnh cũng không phải quá sốt ruột về sự tăng trưởng, hoặc đếm năm nay thu hút được bao nhiêu khách, doanh thu bao nhiêu tỉ, mà cần có chiến lược lâu dài trong sự phát triển tổng thể của địa phương. Phú Yên xem du lịch là ngành mũi nhọn, nhưng phải đặt trong tương quan của cả nền kinh tế. Tỉnh phải xem xét cần có những trụ cột nào, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, ngư nghiệp, dịch vụ… phát triển thế nào để thu hút nhà đầu tư, vì khách du lịch không chỉ là những người đến chơi mà kể cả những doanh nhân, nhà đầu tư cũng là đối tượng khách rất quan trọng.
Một điểm nữa là phát triển du lịch, sản phẩm du lịch Phú Yên phải đặt trong mối liên kết vùng. Trước mắt, tôi đề nghị cần có sự liên kết sản phẩm tour, tuyến du lịch. Ví dụ Bình Định sắp tới họ có nhiều hoạt động lễ hội để kích hoạt du lịch, thiết nghĩ các đơn vị lữ hành cần nghiên cứu kết nối xây dựng tour hai tỉnh cho hấp dẫn.
TS NGUYỄN QUỐC HƯNG, NGUYÊN PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DU LỊCH: Xác định sản phẩm thế mạnh và thị trường khách phù hợp
Sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa đang là xu thế phát triển hiện nay của du lịch Việt Nam và cả thế giới. Đây cũng chính là thế mạnh của du lịch Phú Yên. Khi còn công tác tại Tổng cục Du lịch, tôi cũng có ý kiến định hướng và Phú Yên đã đưa các loại hình sản phẩm du lịch này vào chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên đến nay, các dòng sản phẩm, loại hình du lịch này của Phú Yên vẫn còn yếu, đơn điệu, chưa được quan tâm đầu tư phát triển.
Thực tế là việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng hiện nay gặp những vướng mắc, khó khăn từ các quy định pháp luật, cơ chế. Điều này rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương để tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển loại hình du lịch có thế mạnh này.
Về thị trường khách du lịch quốc tế, Phú Yên thu hút chưa nhiều. Vì vậy, ngay từ đầu, ngành Du lịch cần định hướng thị trường khách nào phù hợp để từ đó có chiến lược đầu tư quảng bá mạnh mẽ cũng như hình thành các sản phẩm du lịch thích hợp. Theo kinh nghiệm và quan sát của tôi thì thị trường khách Nga khá phù hợp và cũng rất tiềm năng. Hơn nữa, Phú Yên cũng đã có một thời gian dài có sự quan tâm đầu tư hướng đến thị trường khách này.
BÁC SĨ SA NHƯ HÒA, NGUYÊN PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG: Hướng đến du lịch sức khỏe
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa “Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không phải chỉ là tình trạng không có bệnh hay thương tật”.
Ở đây có sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Du lịch có thể coi là một phương thuốc đặc biệt phục vụ cho sức khỏe tinh thần của con người. Du lịch là một hoạt động không thể thiếu trong đời sống con người nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá… Người đi du lịch và người tổ chức du lịch trở thành một chuỗi cung – cầu thiết thân. Du lịch có thể góp phần cải thiện, nâng cao được sức khỏe con người.
Phú Yên có biển, rừng còn hoang sơ, con người chất phác, dễ thương. Thiết nghĩ, đây là thiên đường để phát triển du lịch sức khỏe. Hãy lấy sức khỏe tinh thần làm nơi bắt đầu. Mọi hành động của con người đều bắt nguồn từ tư tưởng, suy nghĩ, cảm xúc. Theo đó, chủ đề du lịch của Phú Yên có thể là “du lịch ba không: không hại mình, không hại người, không hại môi trường”. Sản phẩm du lịch Phú Yên có thể hướng đến như là nơi giàu “vitamin không khí” nhất, giàu ion âm, có khả năng chữa lành mạnh mẽ; nơi chỉ có thực phẩm hữu cơ hướng tới thanh lọc cơ thể; nơi chỉ số sức khỏe người dân tốt nhất; nơi thiền định, kết nối với đất trời; nơi có phong trào yoga toàn dân; nơi trải nghiệm chân – thiện – mỹ, tình thương yêu và những việc tử tế…
TRẦN QUỚI (ghi)