Nhân hội thảo khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) đặc thù gắn với bảo tồn rạn san hô Hòn Yến và quần thể đá Đĩa tỉnh Phú Yên” vừa tổ chức tại Phú Yên, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, thành viên của hội thảo đã có những trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh việc phát triển DLCĐ tại địa phương.
* Là người có hơn 25 năm làm du lịch và đã tư vấn hỗ trợ phát triển DLCĐ ở nhiều địa phương, theo ông, tiềm năng phát triển DLCĐ ở Việt Nam nói chung và ở Phú Yên nói riêng như thế nào?
– Có thể hiểu DLCĐ là loại hình du lịch bền vững dựa vào cộng đồng địa phương. Phát triển DLCĐ là một cách tiếp cận nhằm tạo ra lợi ích cao nhất cho người dân địa phương, những người sử dụng du lịch như một công cụ tạo nguồn lợi kinh tế. Du khách phải trả tiền khi họ đến tham quan, trải nghiệm các giá trị văn hóa, thiên nhiên và khoản tiền này được sử dụng để cải thiện cuộc sống của người dân, giúp phát triển kinh tế – xã hội, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, danh lam thắng cảnh của địa phương.
DLCĐ là loại hình du lịch mang lại cho du khách những trải nghiệm đầy đủ nhất về bản sắc cộng đồng địa phương. Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng có rất nhiều tiềm năng để phát triển DLCĐ, bởi chúng ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tài nguyên nhân văn, những nét văn hóa của các tộc người rất đặc trưng…
Ông Nguyễn Văn Mỹ phát biểu tại hội thảo nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng tại xã An Hòa Hải (huyện Tuy An). Ảnh: TRẦN QUỚI |
* Homestay là mô hình sinh động nhất trong phát triển DLCĐ. Mô hình này nên được triển khai như thế nào, thưa ông?
– Homestay là một loại hình “du lịch xanh”, thay vì ở khách sạn hoặc nhà nghỉ, du khách sẽ ở ngay tại nhà của người dân địa phương để có thêm một góc nhìn gần gũi và thực tế hơn về văn hóa, cuộc sống của người bản địa.
Hiện nay, nhiều địa phương khuyến khích hình thành homestay tại các điểm DLCĐ, tuy nhiên không phải nơi nào cũng thành công. Giữa bức tranh ảm đạm vì thua lỗ của homestay ở nhiều nơi trên cả nước, hệ thống homestay CBT là điểm sáng với nhiều bài học thú vị.
Hệ thống homestay CBT Việt Nam do CBT Travel khởi xướng từ năm 2012. Sau hơn 10 năm hoạt động, hệ thống này đã có mặt tại 9 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Thuận; gồm 20 điểm DLCĐ với 49 homestay, 828 chỗ ngủ. Năm 2019, hệ thống homestay CBT đón 510.083 khách lưu trú, trong đó có 71% khách nước ngoài.
Hệ thống homestay CBT thành công, đầu tiên là nhờ sự phá cách, sáng tạo theo thực tế dân tộc, vùng miền, từ thiết kế, trang trí đến văn hóa, ẩm thực và sản phẩm du lịch đặc trưng. Thứ hai, các nhà tư vấn thực tiễn đồng hành, cầm tay chỉ việc, hỗ trợ tìm nguồn khách và bảo hành dự án. Thứ ba, chính quyền chịu thay đổi, chỉ hỗ trợ chính sách, tạo điều kiện chứ không bao cấp, cho tiền. Thứ tư, người dân chủ động, tin tưởng, dám đầu tư vốn, không làm theo lối cũ, bám sát quy chuẩn tư vấn. Thứ năm, minh bạch giá cả và chất lượng dịch vụ để bảo vệ quyền lợi của người dân. Thứ sáu, làm DLCĐ là làm kinh tế, không theo kiểu phong trào, tính hiệu quả là ưu tiên số một.
* Vậy theo ông, để DLCĐ phát triển bền vững, chính quyền cùng người dân cần phải làm gì?
– Để DLCĐ phát triển bền vững, trước tiên cần thay đổi và hành động. Thực tiễn đã kiểm nghiệm, không nên áp đặt mô hình, cách quản lý và những quy định chủ quan mà phải vận dụng sáng tạo, tạo nên sự khác biệt từ việc chọn vật liệu, thiết kế, trải nghiệm, ẩm thực, văn nghệ, sản phẩm OCOP, đến liên kết để tồn tại và phát triển. Bắt đầu từ việc nhỏ như thực đơn, nước chấm, muỗng đũa, hoa giả, ổ cắm điện, thái độ phục vụ; công khai giá; tặng sản phẩm thay vì giảm giá, không chi hoa hồng (trừ hàng đặc sản, OCOP…). Thực hiện bảo tồn để phát triển bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng (con người, thiên nhiên, môi trường sống).
Thực tiễn đã chứng minh, DLCĐ không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn giúp làm giàu chính đáng, làm giàu cho người dân và đất nước. DLCĐ với các homestay đúng quy chuẩn là du lịch trách nhiệm, bền vững, góp phần thay đổi diện mạo địa phương và xây dựng nông thôn mới. Đây là cách tốt nhất để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa từng dân tộc.
* Xin cảm ơn ông!
Để DLCĐ phát triển bền vững, trước tiên cần thay đổi và hành động. Bắt đầu từ việc nhỏ như thực đơn, nước chấm, muỗng đũa, hoa giả, ổ cắm điện, thái độ phục vụ; công khai giá; tặng sản phẩm thay vì giảm giá, không chi hoa hồng (trừ hàng đặc sản, OCOP…). Thực hiện bảo tồn để phát triển bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng (con người, thiên nhiên, môi trường sống).
Ông Nguyễn Văn Mỹ |
TRẦN QUỚI