Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 410 năm hình thành và phát triển, vùng đất trấn biên xưa và Phú Yên nay đã trải qua không ít chông gai với giặc ngoại xâm. Vì một Phú Yên “Yên định trong Phú cường”, lớp lớp người dân bỏ ruộng cày, xếp bút nghiên lên đàng giành độc lập, bảo vệ quê hương và đã anh dũng hy sinh.
Để các thế hệ hôm nay và mai sau bái vọng, ngưỡng mộ, tri ân tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã anh dũng hy sinh trong quá trình xây dựng, bảo vệ vùng đất Phú Yên trong suốt tiến trình lịch sử; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng ngôi đền thờ liệt sĩ chung của tỉnh.
Công trình văn hóa tâm linh
Dưới thời các chúa Nguyễn, Phú Yên là vùng đất trấn biên, mở đầu sự nghiệp khai phá đất phương Nam, là địa bàn trọng yếu trong sự nghiệp Nam tiến, Đông tiến và Tây tiến vĩ đại của dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại ở thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân Phú Yên đã mưu trí, dũng cảm, xả thân để cùng cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước…
Văn bia bên trái gian thờ chính: “Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ muôn đời lưu truyền với sử xanh. Anh linh các liệt sĩ bất diệt. Tổ quốc Việt Nam vĩ đại muôn năm”. (Chủ tịch Hồ Chí Minh) |
Và hôm nay, đất nước thanh bình, không ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng những lớp người hy sinh vì công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập – tự do. Chính vì lẽ đó, cùng với những nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm ở các địa phương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng Đền thờ liệt sĩ tỉnh Phú Yên. Công trình này là biểu thị sinh động đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đền thờ liệt sĩ tỉnh Phú Yên tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi đang mở rộng nối dài, gần giáp với đường Nguyễn Hữu Thọ, mặt hướng về phía núi Chóp Chài, biểu tượng của TP Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên. Đền thờ gồm hai nhà bia (đặt hai văn bia) và nhà thờ chính. Gần đền thờ là di tích ngôi mộ chung của các liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm Mậu Thân 1968.
Bên cạnh sự tương đồng trong quy cách chung của các đền thờ, nhà thờ liệt sĩ trong cả nước, Đền thờ liệt sĩ tỉnh Phú Yên còn mang một nét đặc trưng rất riêng từ nội dung, cách thức bài trí trong gian thờ chính, hai văn bia và cả thiết kế, ngôn ngữ mỹ thuật, điêu khắc…
Cán bộ, Nhân dân Phú Yên dâng hương ở gian thờ chính điện. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Ngôn ngữ điêu khắc
Điểm nhấn của điện thờ chính là hai bức phù điêu. Phù điêu bên trái, là bức tranh tổng thể tiến trình lịch sử hơn 410 năm tỉnh Phú Yên hình thành và phát triển được thể hiện bằng ngôn ngữ điêu khắc, gắn với những sự kiện tiêu biểu nhất từ mốc lịch sử Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh đưa lưu dân khai mở vùng đất này hình thành làng mạc và lập nên phủ Phú Yên có tên trên bản đồ Tổ quốc năm 1611, đến hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bên cạnh đó khắc ghi những sự kiện lịch sử tiêu biểu trong suốt tiến trình lịch sử đến sự kiện cờ chiến thắng tung bay trên đỉnh Tháp Nhạn (TP Tuy Hòa) ngày 1/4/1975, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên.
Phù điêu bên phải, mô tả sự hy sinh cao cả “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các anh hùng liệt sĩ và quần chúng yêu nước đã hóa thân thành “Những trái tim như ngọc sáng ngời” trong lòng đất mẹ để màu xanh cuộc sống – xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển – xây dựng nông thôn mới hiện đại. Phú Yên hôm nay vươn mình mạnh mẽ thực hiện tiến trình đô thị hóa TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, TX Đông Hòa và các thị trấn góp phần tạo dựng vóc dáng hiện đại của tỉnh Phú Yên trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập.
Kiến trúc sư Đỗ Như Nông, hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam tỉnh Phú Yên, chia sẻ: Hình tượng rồng ở đền thờ liệt sĩ là biểu tượng truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Hai con rồng chầu hình tượng tia nắng mặt trời được khắc họa trên mặt trống đồng Đông Sơn – biểu tượng của nền văn minh cổ đại Việt Nam. Hình ảnh tia nắng còn là biểu tượng cho tỉnh Phú Yên vùng đất cực Đông, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam.
Hoa văn họa tiết ở các văn bia, bức hoành, bàn thờ và các thân cột, rèm cột được thể hiện hài hòa với không gian kiến trúc đền thờ. Nội dung ngôn ngữ khắc họa dễ cảm nhận và tôn lên được sự trang nghiêm trong không gian thờ cúng.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Phan Đình Phùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, người trực tiếp chỉ đạo hình thức và nội dung trong đền thờ, cách thể hiện này mang tính bao quát, không đi vào cụ thể là nhằm thể hiện sự tri ân, ghi tạc công lao của tất cả tiền nhân từ thời mở đất, những người con của Phú Yên và của đất nước, đồng bào đã hy sinh vì nghĩa lớn và các anh hùng liệt sĩ trong suốt tiến trình lịch sử hơn 410 năm hình thành vùng đất Phú Yên; hai cuộc kháng chiến vĩ đại, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình.
Đền thờ liệt sĩ Phú Yên là công trình văn hóa tâm linh, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau về sự hy sinh và công lao to lớn của những vị anh hùng dân tộc, các nhà yêu nước… Đến nơi đây, các thế hệ trẻ sẽ được tăng thêm ý chí và phát huy hơn nữa lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, kiên trung bất khuất, cần cù sáng tạo của con người đất Phú để xây dựng quê hương không ngừng phát triển giàu mạnh “Yên định – Phú cường”. Như văn bia đã tạc: “Thề trước vong linh, trên dưới đồng lòng thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh/ Đền thờ liệt sĩ vạn thuở tôn vinh: Vì nước quên mình, Tổ quốc ghi công, đời đời ghi nhớ”.
Viếng đền thờ liệt sĩ Phú Yên nhân dịp kỷ niệm ngày thống nhất non sông, trong mỗi chúng ta bừng lên niềm tự hào dân tộc và quê hương. Quá khứ anh hùng, tiếp sức cho hiện tại, hướng tới tương lai. Đó là hành trang tinh thần vô giá, sức mạnh nội sinh góp sức vào công cuộc xây dựng “đất Phú trời Yên”.
Văn bia bên phải gian thờ chính: “Các thế hệ người Phú Yên luôn tạc dạ, tri ân sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hun đúc khí thiêng sông núi Phú Yên trong tiến trình lịch sử dân tộc, đặc biệt là hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của thế kỷ XX”.
(Lời tri ân của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đại diện cho Đảng bộ và Nhân dân Phú Yên) |
TRẦN QUỚI