Ông Phan Ngọc Phượng ở thôn An Hòa, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh là một trong 75 người được đề nghị biểu dương, tôn vinh tại hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023 nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023).
Vợ ông Phượng, bà Nguyễn Thị Lý là người luôn ủng hộ, đồng hành cùng ông trên mọi nẻo đường thiện nguyện.
Mê làm từ thiện
Chúng tôi đến nhà ông Phượng vào một buổi trưa mùa hạ, tiết trời nóng bức, cũng đúng lúc ông Phượng vừa đi trao tiền hỗ trợ mai táng phí cho các hoàn cảnh khó khăn ở các xã vùng sâu, vùng xa của hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa trở về. Trên gương mặt của ông, chúng tôi có thể cảm nhận được sự nhân hậu. Và khi trò chuyện, cả trong lời nói của ông cũng thế. Ông thật có duyên làm thiện nguyện.
Ông Phượng sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Sông Hinh. Năm 21 tuổi, ông lên đường nhập ngũ tại Tỉnh đội Phú Khánh. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông trở về địa phương xây dựng, phát triển kinh tế gia đình, tham gia các phong trào thi đua và là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Đức Bình Tây. Ông Phượng đến với công tác xã hội từ thiện như một cơ duyên và nếu được chọn lại, ông cho biết vẫn chọn việc làm này.
Ông Phượng kể: “Năm 2016, vợ tôi bị bệnh thiếu máu não rất nặng, phải điều trị ở Bệnh viện Huyết học TP Hồ Chí Minh, rồi bị thoát vị đĩa đệm phải vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh ròng rã 4 tháng. Tại những nơi này, tôi thấy nhiều người mang cháo, quà từ thiện đến cho bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Thấy vậy, vợ chồng tôi phát tâm rằng khi nào vợ hết bệnh sẽ về làm việc này. 4 tháng sau, vợ tôi khỏi bệnh. Lúc về đến nhà, chúng tôi chỉ còn 200.000 đồng, tôi phải đi xin một người bạn được thêm 200.000 đồng nữa rồi đi chợ, nấu nồi cháo đầu tiên giúp đỡ các cụ già neo đơn, người khó khăn của xã. Sau lần đó, con cháu trong gia đình và nhiều người thấy việc làm này ý nghĩa, đã chung tay đóng góp để chúng tôi thực hiện mỗi tuần 2 ngày. Đến nay đã thành quen”.
Phương châm của ông Phượng là làm từ thiện quan trọng là cách cho, cách trao như thế nào để người nhận cảm thấy ấm áp. “Làm từ thiện là mong cho nhiều hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, chứ không mong được đền đáp lại. Vì vậy, dù đường xa, cách trở, tôi cũng lặn lội tìm đến họ không biết mệt. Mỗi lần như vậy, tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Âu đây cũng là cái duyên nên càng làm tôi càng thấy say mê”, người đàn ông 63 tuổi này bộc bạch.
Các thông tin của những gia đình được hỗ trợ đều được vợ chồng ông ghi lại và hình ảnh được chuyển đến cho các nhà hảo tâm mà ông vận động được. Đối với những trường hợp quá khó khăn, ông tiếp tục kêu gọi cộng đồng giúp đỡ, nhận đỡ đầu, trao học bổng hàng tháng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Gia đình ông còn mở cửa hàng 0 đồng tại nhà với mong muốn “Ai thiếu thì đến lấy. Ai dư thì đem đến cho” để góp thêm bữa cơm cho những gia đình neo đơn, hoàn cảnh khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Lý, vợ ông Phượng cho hay: “Khi biết mong muốn nấu cháo từ thiện của tôi, chồng tôi rất ủng hộ và tìm mọi cách thực hiện. Từ đó, cái duyên của anh Phượng cứ lớn dần và ảnh kêu gọi đâu là được đó. Các nhà hảo tâm ở các nơi họ tin tưởng giao tiền cho anh Phượng đi trao, không chỉ ở Phú Yên mà các tỉnh khác nữa. Anh Phượng còn ủng hộ tôi đi từ thiện trong đợt lũ lụt miền Trung đến 53 ngày. Đây là động lực giúp tôi vượt qua bệnh tật đến bây giờ”.
Bà Nguyễn Thị Thích, thôn Đồng Phú, xã Đức Bình Tây xúc động nói: “Tôi biết ơn gia đình anh Phượng và chị Lý vô cùng. Hiện tôi không đủ sức lao động, người thì nhiều bệnh tật mà còn phải nuôi cháu ngoại. Nếu không nhờ anh Phượng chị Lý giúp đỡ từ gạo, mắm muối đến quần áo… thì bà cháu tôi khó mà vượt qua được đói kém, nhất là trong đợt cao điểm dịch bệnh COVID-19. Anh chị làm việc từ tâm thiện, vì cộng đồng nên người dân trong xã ai ai cũng quý mến, mong cho anh chị mạnh khỏe để tiếp tục giúp đỡ người nghèo”.
Một bữa phát cháo từ thiện của gia đình ông Phượng và những người bạn. Ảnh: CTV |
Hàng ngàn hoàn cảnh khó khăn được cứu giúp
Ngay từ lần nấu cháo đầu tiên, rất nhiều người biết đến và tin tưởng trao tiền cho ông Phượng làm từ thiện. Từ đây, ông mở rộng ra giúp những hoàn cảnh khó khăn ngoài xã, trong tỉnh và ngoài tỉnh. Chỉ sau vài tháng bén duyên với công tác thiện nguyện, ông Phượng đã giúp hàng ngàn người có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh có thêm hy vọng vươn lên trong cuộc sống.
Xúc động nhất là nhiều gia đình từ rất lâu phải sống trong cảnh nhà dột nát, nhà che tạm được vợ chồng ông Phượng vận động hỗ trợ xây nhà mới kiên cố, khang trang. Hay nhiều học sinh vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học giữa chừng đã được đi học lại.
Bà Nguyễn Thị Hường ở xã Đức Bình Tây, xúc động bày tỏ: “Không chỉ vận động hỗ trợ gia đình tôi xây căn nhà khang trang, anh Phượng và chị Lý còn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền hàng tháng. Vợ chồng tôi biết ơn lắm”. Còn em Nguyễn Đoàn Nhật Huy, học sinh lớp 9 Trường THCS Đức Bình Tây, cảm kích: “Con bị ba bỏ rơi, mẹ đi làm xa, sinh ra đã tật nguyền nên cuộc sống rất khó khăn. Nhờ có sự cưu mang của ông Phượng bà Lý mà con được đến trường, nhiều năm liền là học sinh giỏi. Hè này con còn được ông bà giới thiệu đi học nghề sửa xe miễn phí”.
Đặc biệt hơn, ông Phượng còn tiên phong trong việc hỗ trợ kinh phí mai táng cho các cụ già neo đơn, những gia đình khó khăn không thể lo hậu sự khi người thân qua đời. “Hễ cứ ai gọi xin hỗ trợ mai táng phí là vợ chồng tôi đi ngay. Một số trường hợp gia đình có người mất 1, 2 giờ sáng, tôi cũng đi để kịp có đồ khâm liệm, rồi sau đó tìm nguồn kinh phí trả lại cho dịch vụ mai táng”, ông Phượng chia sẻ.
Mong có thêm nhiều nhà hảo tâm
Điều mà hiện nay ông Phan Ngọc Phượng trăn trở là còn rất nhiều hoàn cảnh, những mảnh đời bất hạnh cần được giúp đỡ, nhiều học sinh còn phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng nguồn lực của gia đình ông có hạn nên chưa thể nào giúp hết, giúp kịp thời.
Theo ông Phượng, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, ông không ngại nguy hiểm, xông pha vào những “điểm nóng” để hỗ trợ từng bữa ăn, nhu yếu phẩm và thiết bị y tế cho các khu cách ly tập trung, vùng phong tỏa. “Hồi đó vận động đâu là có đó. Dạo gần đây, nhiều tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn nên nguồn lực hỗ trợ cũng ít dần. Vì lòng nhiệt huyết với từ thiện nên vợ chồng tôi được Hội Thiện tâm Charity Group TP Hồ Chí Minh mời vào hội để có thể kết nối với nhiều nhà hảo tâm, chia sẻ nhiều chương trình hỗ trợ cho Phú Yên. Tôi mong muốn có thêm nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để những gia đình khó khăn, người bệnh bớt khổ đau”, ông Phượng thổ lộ.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đức Bình Tây Trần Văn Thành nhìn nhận: “Ông Phượng nhiệt huyết với công tác an sinh xã hội và là người dẫn dắt, truyền lửa cho các hoạt động thiện nguyện, nhân đạo của địa phương. Ông không ngại khó, ngại khổ vì người nghèo. Xã có hoạt động kêu gọi, vận động giúp người nghèo là ông tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ để người dân được thụ hưởng nhiều hơn. Ông xứng đáng được biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc”.
Ngoài bếp cháo từ thiện được tổ chức vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, hỗ trợ mai táng phí, vận động hỗ trợ xây dựng nhà Tình nghĩa, tổ chức cửa hàng 0 đồng tại nhà, hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho 10 hộ, ông Phượng và gia đình còn kết nối các hoạt động tặng quà cho hộ nghèo, người già neo đơn và tặng quà trung thu cho trẻ em; tặng xe lăn cho người khuyết tật, xe đạp cho học sinh khó khăn; hỗ trợ người bị tai nạn giao thông, bệnh hiểm nghèo… |
THÙY THẢO