Du lịch là một ngành tổng hợp, sản phẩm du lịch cũng vậy. Việc có tài nguyên (thiên nhiên và nhân văn) là một lợi thế rất lớn, là cơ sở, nguồn lực cực kỳ quan trọng cho du lịch phát triển. Vậy nhưng, đó mới chỉ là điều kiện cần. Nếu chúng ta không biến cái ta có thành sản phẩm du khách cần thì nó vẫn mãi là… tiềm năng.
Tại hội nghị về du lịch mới đây, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh có bài phân tích sâu sắc, gợi mở cho ngành Du lịch và những người làm du lịch về việc phát huy lợi thế Phú Yên đang có để tạo nên những sản phẩm du lịch thật sự thu hút du khách.
Ta đang có những gì?
Với cách trình bày bằng slide, inforaphic (đồ họa thông tin), Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương mang đến nhiều thông tin, qua những phân tích sắc sảo của một người làm khoa học.
“Chúng ta đang có những gì?”, đồng chí Phạm Đại Dương nhắc lại.
Nằm trên dải đất miền Trung, Phú Yên là một vùng đất có phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình với nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, kỳ thú và hấp dẫn. Phú Yên có đường bờ biển dài gần 200km, nhiều vũng, vịnh, bãi tắm xinh đẹp. Trên vùng đất này có hàng trăm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh và quốc gia, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn và Di tích danh thắng Gành Đá Đĩa. Nét đặc sắc trong văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau với hơn 30 dân tộc anh em cùng sinh sống; nhiều lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc từ hát tuồng, bài chòi, hò bá trạo đến trường ca, các nhạc cụ dân tộc trống đôi – cồng ba – chiêng năm, đàn đá…
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng điều này đúng, nhưng chưa đủ. Đây mới là thuận lợi, ưu điểm, chúng ta cần phân tích làm rõ những cái “có” thuộc về nhược điểm, hạn chế, yếu kém nữa. Đó là, bảo vệ môi trường và tài nguyên, đa dạng sinh học trong quá trình phát triển du lịch chưa được chú trọng. Kết cấu hạ tầng du lịch còn hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ ven biển, giao thông đường thủy. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch từ 3-5 sao còn ít; chưa khai thác, phát huy được hết giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Sản phẩm du lịch chưa có nét đặc trưng riêng. Dịch vụ tại các điểm đến còn hạn chế, thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí trên biển, các hoạt động giải trí về đêm. Chất lượng dịch vụ còn thấp, thiếu sức cạnh tranh, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách du lịch; thiếu các sản phẩm du lịch cao cấp; chưa xây dựng được thương hiệu du lịch để tạo lợi thế cạnh tranh; liên kết phát triển du lịch (cả trong và ngoài tỉnh) còn hạn chế…
Đồng chí Phạm Đại Dương yêu cầu ngành Du lịch, những người làm công tác quản lý và phát triển du lịch cần làm rõ thêm những hạn chế, từ đó suy nghĩ tìm cách biến cái ta có thành cái du khách cần. Đó mới thực sự là sản phẩm du lịch.
Danh thắng Hòn Yến mang vẻ đẹp hoang sơ của biển, cần có bàn tay sắp xếp, chăm chút, bảo vệ môi trường của con người để nó trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Nhu cầu của du khách là gì?
Đây cũng là một câu hỏi khó, nhưng không phải không có câu trả lời và cách giải quyết hiệu quả.
Theo đồng chí Phạm Đại Dương, du khách có 3 nhu cầu lớn, quan trọng, tương ứng với 5 tầng của nhu cầu Maslow.
Thứ nhất, nhu cầu về nghỉ ngơi, ăn uống, cơ sở vật chất kỹ thuật, phòng khách sạn…; các điều kiện về thắng cảnh nổi tiếng, những điểm du lịch, điểm tham quan mà du khách được tiếp cận… Nhu cầu cơ bản này tương ứng với nhu cầu 1 và 2 của tháp Maslow (nhu cầu thiết yếu, nhu cầu an toàn). Thứ hai, du khách mong muốn có chuyến du lịch thành công với những trải nghiệm mới và thoải mái tinh thần, cũng như mong muốn có được sự gắn kết với người dân địa phương, được khám phá và học hỏi về văn hóa, giáo dục…; tương ứng với nhu cầu 3 và 4 của tháp Maslow (nhu cầu mối quan hệ tình cảm, nhu cầu được tôn trọng, kính trọng). Thứ ba, du khách có nhu cầu chuyển hóa. Có nghĩa là thông qua các hoạt động du lịch, khách du lịch mong muốn được hoàn thiện bản thân cũng như đóng góp công sức để kiến tạo xã hội tốt đẹp hơn. Điều này tương ứng với nhu cầu 5 của tháp Maslow (nhu cầu thể hiện bản thân).
Để đầu tư phát triển du lịch mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương, Phú Yên đang có 3 trụ cột quan trọng nhưng chưa phát huy để tạo nên sự phát triển mạnh mẽ, đột phá và bền vững nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; sự quản lý thống nhất của Nhà nước; vai trò, động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Mỗi trụ cột cần phát huy vai trò, sức mạnh của mình, tạo thành cái kiềng ba chân vững vàng, thống nhất, thúc đẩy sự sáng tạo, mang đến những sản phẩm du khách cần, phát triển du lịch một cách bền vững.
Xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện
Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nêu rõ: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xác định: “Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh; phấn đấu tốc độ phát triển ngành Du lịch khoảng 14%/năm”.
“Chúng ta đã có nghị quyết của trung ương và địa phương. Chương trình hành động 09 của Tỉnh ủy cũng đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cần chung sức, chung lòng, phát huy nội lực quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với phương châm: “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp. Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh. Môi trường vệ sinh sạch, đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, đồng chí Phạm Đại Dương nhấn mạnh.
Theo Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch. |
TRẦN QUỚI