Phú Yên được xem là cái nôi, nơi khởi đầu nghề câu cá ngừ đại dương của Việt Nam. Đầu những năm 1990, ngư dân ở Tuy Hòa, Phú Yên trong một dịp tình cờ đã phát hiện, cải tiến nên hình thức câu vàng phục vụ khai thác cá, đưa câu cá ngừ đại dương trở thành nghề truyền thống của địa phương. Việc khai thác sản vật này hiện được phát triển ra nhiều tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa.
Trong lĩnh vực khai thác thủy sản của Phú Yên, cá ngừ đại dương là biểu tượng. Không chỉ vậy, Phú Yên là nơi khởi nguồn của nghề câu cá ngừ đại dương, câu vàng truyền thống và là một trong những địa phương có sản lượng khai thác cá ngừ đại dương lớn cả nước. Chẳng thế mà, một trong những đặc sản khi du khách đến Phú Yên mong muốn được thưởng thức và chủ nhà cũng không quên giới thiệu đó là món cá ngừ đại dương (ăn sống) và đèn pha đại dương (mắt cá ngừ đại dương tiềm thuốc bắc).
Ở Phú Yên, cá ngừ đại dương còn được ngư dân gọi là cá bò gù, vì cá có trọng lượng lớn, sức rướn mạnh, lưng gù, thịt đỏ như thịt bò, giá trị dinh dưỡng cao. Với sản vật này, một cách thưởng thức đơn giản là fillet cá thành lát mỏng, bản vuông vức, ăn sống với mù tạt. Khi đó, người ăn có thể cảm nhận được độ tươi ngọt của cá hòa quyện cùng các nguyên liệu ăn kèm khác như cải xanh, rau thơm, đậu phộng rang..
Bao tử cá ngừ đại dương thường được dùng để trộn gỏi. Để chế biến món ăn hấp dẫn này, người ta sơ chế sạch bao tử cá, luộc (hấp) chín, xắt miếng vừa ăn, trộn với các nguyên liệu khác như xoài, hành tây, cà rốt, rau thơm, ớt, đậu phộng, hành phi… Gỏi bao tử cá sẽ kém ngon nếu thiếu vắng nước chấm đậm đà và bánh tráng nướng giòn tan.
Được gọi nôm na là món “đèn pha đại dương”, mắt cá ngừ đại dương được xem như đặc sản nức tiếng nhất ở Phú Yên, hiếm nơi nào có. Người dân địa phương thích sử dụng nguyên liệu độc đáo này để hầm (tiềm) thuốc Bắc. Những cầu mắt cá to sau khi sơ chế sạch, khử tanh kỳ công sẽ được cho vào hũ sành có chấm tròn xanh quen thuộc, chưng cách thủy với một số vị thuốc Bắc, ăn nóng kèm rau thơm, bánh tráng nướng, nước tương.