Gành Đá đĩa
2.1. Lược sử hình thành và phát triển
Lịch sử hình thành của tỉnh được đánh dấu từ năm 1597, khi Lương Văn Chánh đưa dân từ các vùng Thanh – Nghệ và Thuận – Quảng đến khẩn hoang lập ấp, tạo dựng cơ nghiệp ở vùng đất Trấn Biên. Đến năm 1611, phủ Phú Yên chính thức ra đời. Với một vị trí chiến lược quan trọng, vào thế kỷ XVIII Phú Yên là nơi đối đầu quyết liệt giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.
Từ thế kỷ XIX trở về sau này, trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, Phú Yên đã hưởng ứng phong trào Cần Vương do Lê Thành Phương lãnh đạo và cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ và Trần Cao Vân, đập tan chiến dịch Atlante của thực dân Pháp, góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân cả nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào đồng khởi Hòa Thịnh của Phú Yên, cùng với nhiều chiến công khác, đã góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Ngày 3.11.1975, tỉnh Phú Yên sáp nhập với tỉnh Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh. Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa VIII vào tháng 6.1889, Quốc hội đã quyết định chia tách tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa như ngày nay.
2.2. Nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa
– Lương Văn Chánh: Lương Văn Chánh là một võ quan nhà Lê và là người có công với sự nghiệp chiêu tập lưu dân khai khẩn, mở mang và phát triển vùng đất Phú Yên. Ông sinh khoảng thập niên 40 của thế kỉ thứ XVI, quê ở làng Tào Sơn, xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Năm 1558, Lương Văn Chánh đã theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá. Đến năm 1578, Lương Văn Chánh đem quân tiến đến sông Đà Diễn (hay Đà Rằng) đánh chiếm thành Hồ của Champa. Nhờ chiến công đó, ông được thăng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân. Sau đó ông được giao trông coi huyện Tuy Viễn, trấn An Biên (giờ thuộc tỉnh Bình Định). Năm 1593, lực lượng Lê trung hưng tiến ra miền Bắc, Lương Văn Chánh đã ra Bắc và cùng Nguyễn Hoàng lập được nhiều chiến công ở Sơn Nam và Hải Dương trong hai năm 1593 và 1594 và được vua Lê Thế Tông (niên hiệu Quang Hưng năm thứ nhất) tấn phong Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân cai quản 4 về Thần Vũ, tước Phù Nghĩa hầu. Đến năm 1597, ông Lương Văn Chánh đang là Tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên, nhận sắc lệnh của chúa Nguyễn Hoàng đưa chừng 4.000 lưu dân vào khai khẩn vùng đất phía nam của Đại Việt từ đèo Cù Mông đến đèo Cả (địa bàn tỉnh Phú Yên ngày nay). Ông cùng lưu dân từng bước khẩn hoang, lập ấp, từng bước tạo nên những làng mạc đầu tiên trên châu thổ sông Đà Diễn, sông Cái. Ông mất ngày 19.9 năm Tân Hợi (1611) tại thôn Long Phụng, thuộc xã Hòa Trị ngày nay và được nhân dân an táng, lập đền thờ nhớ ơn và suy tôn ông là Thành Hoàng. Sau đó không hiểu vì sao sử sách lại viết thiếu tên ông, khi Đại Nam liệt truyện tiền biên chép tiểu sử Lương Văn Chánh, có ghi: “sách thực lục bỏ sót tên ông”.Phải đến khi Nam Bắc phân tranh (1627 – 1672) chấm dứt, vào năm Chính Hoà thứ mười (1689) chúa Nguyễn mới truy phong cho cho Lương Văn Chánh tước Bảo quốc chi thần (thần bảo hộ đất nước). Đến năm 1693, ông lại được phong một lần nữa tước Bảo quốc Hộ dân chi thần (thần bảo hộ đất nước và dân chúng). Sau đó suốt từ 1689 đến 1767, Chúa Nguyễn đã 5 lần gia phong cho Lương Văn Chánh, tước vị cuối cùng ông nhận được là Phù Quân công, Thần Bảo Hộ Dân, Hựu Thuận Phong Công, Tỉnh Tiết. Đến thời Nhà Nguyễn, ông đã được gia phong thêm 6 lần nữa (các năm Minh Mạng thứ ba (1822), Thiệu Trị năm thứ ba (1843), Tự Đức năm thứ ba (1850), Tự Đức năm thứ ba mươi ba (1880) Đồng Khánh năm thứ hai (1887), và Duy Tân năm thứ ba (1909). Tước vị cuối cùng ông được phong là Dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.
Để tưởng nhớ người có công khai hoang vùng đất Phú Yên, hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức cúng tế, chăm lo giữ gìn, tôn tạo khu mộ và đền thờ Lương Văn Chánh. Với tầm vóc của một di tích lịch sử, Bộ VHTT đã công nhận khu mộ và đền thờ Lương Văn Chánh là di tích LSVH cấp quốc gia.
Trường THPT đầu tiên của Phú Yên cũng mang tên ông, đó là Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.
– Lê Thành Phương: Lê Thành Phương là danh nhân lịch sử hàng đầu ở tỉnh Phú Yên. Ông sinh năm 1825 tại làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh (nay là thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) trong một gia đình Nho học và giàu lòng yêu nước. Thi đỗ tú tài năm 30 tuổi, ông trở về quê mở trường dạy học. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Lê Thành Phương đã đứng lên chiêu tập nghĩa quân Phú Yên dựng cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc khởi nghĩa do Lê Thành Phương tổ chức và lãnh đạo ở Phú Yên là một bộ phận quan trọng của phong trào Cần Vương toàn quốc, có ảnh hưởng tích cực và mạnh mẽ đến phong trào Cần Vương ở các tỉnh Nam Trung bộ. Cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương là trang sử vẻ vang trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc vô cùng anh dũng, hào hùng của nhân dân Phú Yên và mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Phú Yên. Tháng 2.1887, Lê Thành Phương bị địch bắt. Vào ngày 20.2.1887 (nhằm ngày 28 tháng Giêng năm Đinh Hợi), vì không dụ dỗ, mua chuộc được ông, tên Việt gian Trần Bá Lộc đã ra lệnh xử tử Lê Thành Phương cùng nhiều sĩ phu yêu nước khác tại bến Cây Dừa (thuộc xã An Dân, huyện Tuy An ngày nay). Ông đã nêu cho tấm gương sáng ngời về ý chí kiên cường bất khuất và tinh thần anh dũng hy sinh vì dân vì nước. Di tích mộ và đền thờ Lê Thành Phương tại thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã được nhà nước chính thức công nhận là di tích LSVH cấp quốc gia vào năm 1997.
Hiện nay, cứ đến ngày 27 và 28 tháng Giêng hằng năm, huyện Tuy An, chính quyền xã An Hiệp phối hợp với Sở VH,TT&DL Phú Yên tổ chức lễ tưởng niệm đến vị Thống soái quân vụ đại thần Lê Thành Phương, người con ưu tú của quê hương Phú Yên. Đây cũng là dịp để nhân dân khắp nơi trong tỉnh Phú Yên, nhất là huyện Tuy An tụ hội về tham gia các hoạt động truyền thống, các trò chơi dân gian được tổ chức như: đẩy gậy, kéo co nam, nữ, đi cà kheo, chạy 3 chân, vừa chạy vừa lắc vòng, vừa hành quân vừa nấu cơm, thi cờ tướng, cờ người, cắm trại đẹp, thi hát dân ca, hội bài chòi và liên hoan văn nghệ.
2.3. Di sản văn hóa
2.3.1. Di sản văn hóa vật thể
a. Di tích, bảo tàng
– Phú Yên là vùng đất có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh thuộc nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều nền văn hóa khác nhau (văn hóa Champa, văn hóa Việt, văn hóa của các dân tộc thiểu số ở phía tây của tỉnh). Các di tích và danh lam thắng cảnh được công nhận là di tích LSVH cấp quốc gia như: Tháp Nhạn (Tuy Hòa), mộ và đền thờ danh nhân Lương Văn Chánh (Hòa Trị, Phú Hòa); chùa Từ Quang, còn có tên là chùa Đá Trắng (An Dân, Tuy An), mộ và đền thờ danh nhân Lê Thành Phương (An Hiệp, Tuy An), di tích lịch sử nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Phú Yên (La Hai, Đồng Xuân), di tích lịch sử vụ thảm sát Ngân Sơn – Chí Thạnh (Tuy An), di tích lịch sử tàu không số trên vùng biển Vũng Rô (Hòa Xuân Nam, Đông Hòa), di tích lịch sử nơi diễn ra cuộc đồng khởi Hòa Thịnh (Tây Hòa), phế tích Thành Hồ (Phú Hòa) gắn với sự phát triển của người Chăm ở Phú Yên, di tích lịch sử thành An Thổ (Tuy An), nơi sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, địa đạo Gò Thì Thùng, bộ đàn đá và cặp kèn đá Tuy An…
– Bảo tàng tỉnh Phú Yên được khánh thành vào tháng 02.2012. Công trình Bảo tàng Phú Yên rộng 3ha trên đường Trần Phú (phường 5, thành phố Tuy Hòa), tổng kinh phí đầu tư gần 97 tỉ đồng. Hạng mục trưng bày với khối nhà chính cao ba tầng: tầng một là khu trưng bày và dịch vụ đón khách tham quan, khu kho hiện vật, khu hành chính; tầng hai là không gian trưng bày, triển lãm; tầng ba là không gian tổ chức các hoạt động giáo dục của Bảo tàng. Ngoài ra còn có các công trình phụ trợ khác như: nhà phục vụ giải khát, bãi đậu xe, hệ thống thang nâng, thang cuốn, thang máy… Phần trưng bày trong nhà của Bảo tàng có 3 chủ đề chính: Lịch sử Phú Yên xưa, Cách mạng và kháng chiến, Cuộc sống đương đại. Phần trưng bày ngoài trời thể hiện các mô hình kiến trúc dân gian truyền thống, các di sản văn hóa vật thể tiêu biểu của địa phương, đồng thời là không gian tổ chức trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể. Trong giai đoạn đầu, Bảo tàng Phú Yên phối hợp với Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên trưng bày giới thiệu những hiện vật hiện có tại kho Bảo tàng và một số sưu tập cổ vật. Trong giai đoạn tới, Sở VH,TT&DL Phú Yên sẽ triển khai thực hiện dự án sưu tầm, mua bổ sung hiện vật và thiết kế, thi công trưng bày hoàn chỉnh. Đây được kỳ vọng sẽ là địa chỉ văn hóa thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
b. Danh lam thắng cảnh
Phú Yên còn có những thắng cảnh nổi tiếng, đã được công nhận là thắng cảnh quốc gia như: đầm Ô Loan (Tuy An); gành Đá Đĩa (An Ninh Đông, Tuy An)… Những du lịch sinh thái như: khu du lịch Bãi Môn – Mũi Điện (Đông Hòa), khu du lịch Núi Thơm, làng du lịch Long Thủy (Tuy Hòa), Hòn Chùa, Bãi Xép, Gành Đá Đĩa (Tuy An); khu nghỉ mát Từ Nham, Bãi Nồm, Bãi Rạng (Sông Cầu)…
Thắng cảnh Bãi Môn
2.3.2. Văn hóa phi vật thể
a. Phong tục tập quán
Về phong tục tập quán của các tộc người Việt, Êđê, Bana, Chăm, Hoa… sống trên vùng đất Phú Yên, mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán riêng tồn tại từ bao đời nay. Tuy nhiên nếu so sánh phong tục tập quán của họ với phong tục tập quán của những tộc người tương tự sinh sống ở các vùng đất khác trên lãnh thổ Việt Nam thì không có sự khác biệt gì nhiều. Người Việt ở Phú Yên cũng tổ chức đón Tết Nguyên đán bằng cách dựng cây nêu, cúng giỗ ông bà tổ tiên, thanh toán nợ nần, làm bánh mứt, mừng tuổi con cháu, thăm hỏi chúc tết lẫn nhau… Ngoài Tết Nguyên đán còn có Tết Thượng nguyên, còn gọi là Tết Nguyên tiêu (tổ chức vào rằm tháng Giêng âm lịch), Tết Đoan Ngọ (tổ chức vào ngày 5 tháng 5 âm lịch), Tết Trung nguyên (còn gọi là lễ Xá tội vong nhân), lễ Vu Lan (tổ chức vào rằm tháng 7), Tết Trung thu (tổ chức vào rằm tháng 8). Người Việt ở Phú Yên tổ chức các ngày Tết nói trên cũng không có gì đặc biệt so với nơi khác, duy chỉ Tết Đoan ngọ là tổ chức rất chu đáo. Vào ngày này, người ta thường cùng gia đình, bạn bè đi chơi, chủ yếu là đến các bãi biển, tổ chức vui chơi, ăn uống khá thịnh soạn. Các lễ thức khác của đời người, như sinh đẻ, cưới hỏi, tang ma, cúng giỗ… cũng không có gì khác biệt so với địa phương khác. Phong tục tập quán của các dân tộc ít người ở Phú Yên giống như ở những vùng khác, thường chặt chẽ và phức tạp hơn so với người Việt và được mọi người thực hiện rất nghiêm túc.
b. Lễ hội
Phú Yên cũng nổi tiếng với những lễ hội lớn hàng năm như: lễ dâng hương đập Đồng Cam (ngày 8 tháng Giêng âm lịch), lễ hội đua thuyền sông Đà Rằng (ngày 7 tháng Giêng âm lịch), lễ hội đầm Ô Loan (ngày 6 – 7 tháng Giêng âm lịch), lễ hội sông nước Tam Giang (ngày 5 – 6 tháng Giêng âm lịch), hội đón giao thừa Tết Nguyên Đán, hội hoa xuân Phú Yên (từ ngày 25 tháng Chạp đến Giao thừa Tết Nguyên đán), lễ hội đền Lương Văn Chánh (ngày 6 tháng 2 âm lịch), lễ hội đền thờ Lê Thành Phương (ngày 27 – 28 tháng Giêng âm lịch), hội đêm thơ Nguyên tiêu trên Núi Nhạn (đêm rằm tháng Giêng), hội chùa Ông (ngày 13 tháng Giêng âm lịch), lễ hội Chùa Đá Trắng (ngày 10 – 11 tháng Giêng âm lịch), hội đua ngựa Gò Thì Thùng (ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch), hội đánh bài chòi vào tháng Giêng âm lịch, lễ hội cầu ngư vào tháng Giêng đến tháng Tám âm lịch.
c. Làng và nghề truyền thống
Phú Yên còn nổi tiếng với những làng và nghề truyền thống như: nghề đóng ghe thuyền Đông Tác (Tuy Hòa), làng bánh tráng ở làng Hòa Đa (An Mỹ, Tuy An), làng Đông Bình (Hòa An, Phú Hòa) và Mỹ Lệ (Hòa Bình II, Tây Hòa), làng gốm Quảng Đức (An Thạch, Tuy An), nghề làm mía đường La Hai (La Hai, Đồng Xuân), làng muối Tuyết Diêm (Xuân Bình, Sông Cầu), nghề dệt chiếu Cù Du (Phường 7, Tuy Hòa), nghề dệt lụa Ngân Sơn (Chí Thạnh, Tuy An), nghề chằm nón Phú Diễn (Hòa Đồng, Tây Hòa); làng nghề đan đát Vinh Ba (Hòa Đồng, Tây Hòa).
d. Ẩm thực
Phú Yên có nhiều loại hải sản có giá trị như: sò huyết đầm Ô Loan; tôm hùm Sông Cầu; ghẹ đầm Cù Mông; cá ngừ đại dương (cá bò gù)… Qua bàn tay chế biến khéo léo của người Phú Yên, những hải sản ấy đã trở thành những đặc sản danh tiếng, mang lại dư vị khó quên cho những ai từng có dịp thưởng thức. Đứng đầu bảng ẩm thực đất Phú Yên là các đặc sản đã thành danh như: ghẹ Sông Cầu với các món: ghẹ hấp, ghẹ rang muối, ghẹ rim me, súp ghẹ; sò huyết đầm Ô Loan (Tuy An) nướng trên than hồng ăn với muối tiêu chanh. Ô Loan cũng là nơi có loài hàu, được chế biến thành nhiều món ăn ngon và lạ miệng như: hàu nhúng giấm ăn liền, hàu um chuối cây, nhưng đặc biệt hơn cả là món cháo hàu nấu với gạo đỏ, cùng với một số gia vị thông thường nhưng tạo thành một món đặc sản khó quên. Phú Yên cũng là nơi có nghề đánh bắt cá ngừ đại dương phát triển nhất Việt Nam. Từ đây, món gỏi cá ngừ đại dương đã vang danh trong và ngoài nước. Ngoài món gỏi, đặc sản cá ngừ đại dương của Phú Yên còn có các món: mắt cá ngừ chưng cách thủy (món “đèn biển”), gỏi bao tử cá ngừ, cháo đầu cá… Phú Yên còn có các món gỏi sứa; các loại tôm rằn, tôm hùm, tôm sú, tôm đất… hấp nước dừa; có mắm ruột cá hấp với cà bát… Người dân sống trong vùng động cát ven biển thì có món chả dông. Dân vùng chân núi Chóp Chài thì có món bông giờ xào thịt và đặc biệt là món bông giờ kho cá đồng ăn trong mùa mưa lũ…
Nhiều món ăn nổi tiếng gắn liền với những địa danh sinh ra chúng như: cốm nếp Phong Hậu (Tuy An), bánh tráng Hòa Đa (Tuy An), Hòa An (Tuy Hòa), sò huyết Ô Loan (Tuy An), ghẹ, ốc nhảy, sò điệp, cá mú Sông Cầu, tôm hùm Vũng Rô… Nói đến văn hóa ẩm thực mà không nhắc đến nước mắm Sông Cầu, cà phê Tuy Hòa thì không thể cho là đủ. Nước mắm Sông Cầu, nước mắm Gành Đỏ của Phú Yên cũng là những đặc sản nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc…
Cổng TTĐT tỉnh