Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Cẩm Khê xuất hiện ngày càng nhiều các gương phụ nữ năng động, dám nghĩ, dám làm, áp dụng khoa học kỹ thuật, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có ở địa phương vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Chị Hoàng Thị Hợp – sinh năm 1971 ở khu Mỏ Son, xã Sơn Tình là một trong những điển hình tiêu biểu.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cẩm Khê thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Hoàng Thị Hợp.
Gặp chị khi vừa đi làm đồng về và tất bật vào bếp chuẩn bị bữa trưa cho gia đình, chúng tôi cảm nhận rõ sự siêng năng của người phụ nữ nông thôn miền núi này. Đặt nhanh ấm nước lên bếp, chị đon đả mời khách thăm khuôn viên gia đình. Ngôi nhà xây kiên cố, vững chãi, đảm bảo điều kiện phục vụ sinh hoạt gia đình; chuồng trại chăn nuôi gia súc gọn gàng, xung quanh ao nuôi thủy sản được trồng nhiều cây ăn quả tạo nên môi trường thoáng sạch.
Chị Hoàng Thị Hợp cho biết, hằng năm gia đình chị xuất bán 2 con bò thương phẩm và phối giống cho bò mang lại nguồn thu gần 50 triệu đồng, bán trên 1 tấn cá giống cùng 5-6 tạ cá thương phẩm mang lại nguồn thu gần 250 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, gia đình chị lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.
Được biết, trước kia gia đình chị Hoàng Thị Hợp là hộ nghèo của xã, gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm chăn nuôi. Năm 2014, gia đình chị được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cẩm Khê cho vay 30 triệu đồng từ vốn vay hộ nghèo. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, thay đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả như từ cấy một vụ lúa, một vụ cá, sang nuôi cá giống; từ nuôi gia cầm sang nuôi gia súc… Cùng với đó, chị đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng vật nuôi. Nhờ đó, năm 2018, gia đình chị ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Sau 3 năm thoát nghèo, gia đình vẫn còn nhiều khó khăn nên tiếp tục được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng trong chương trình cho vay dành cho hộ mới thoát nghèo.
Chia sẻ về kinh nghiệm thoát nghèo, chị Hợp cho biết: “Sau khi được vay vốn, tôi bàn với chồng đầu tư nuôi bò sinh sản, xây dựng chuồng trại và đào ao thả cá. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và nắm chắc kiến thức khoa học thông qua các lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi và tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng dịch, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nên đàn gia súc sinh trưởng tốt. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, đến nay vợ chồng tôi tự tin với cách làm kinh tế của mình để không tái nghèo”.
Bằng sự cần cù, chịu khó và nhạy bén trong phát triển kinh tế, chị Hoàng Thị Hợp cùng gia đình đã vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên vùng đất còn nhiều khó khăn. Ngoài thời gian lao động, sản xuất, chị còn tích cực tham gia sinh hoạt Hội phụ nữ và các hoạt động ở địa phương với mong ước đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Anh Thơ
Nguồn: https://baophutho.vn/vuot-kho-thoat-ngheo-221326.htm