Nếu như trước đây, không ít hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng nông thôn trên địa bàn huyện miền núi Thanh Sơn gặp trở ngại, khó tìm hướng phát triển kinh tế do thiếu vốn thì nay đã khác. Các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh… đã nhận được sự quan tâm thường xuyên của chính quyền địa phương, trong đó có sự “tiếp sức” thông qua nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Từ điểm tựa ấy đã góp phần tích cực động viên, khích lệ người dân dám nghĩ dám làm, đầu tư phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Sơn hướng dân người dân các thủ tục vay vốn.
Trong số những câu chuyện thành công từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Nguyễn Việt Phú ở tổ 4, khu Tân Thành, thị trấn Thanh Sơn là một điển hình tiêu biểu khi mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mở xưởng mộc được 16 năm, nhưng trước đây, gia đình anh Phú chỉ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ chủ yếu cung cấp một số mặt hàng gia dụng: Giường, tủ, bàn ghế đơn giản, vì thế thu nhập bấp bênh.
Nhận thấy tiềm năng của nghề mộc trong việc đáp ứng nhu cầu nội thất ngày càng tăng, anh quyết định liên kết với một hộ trong khu mở rộng sản xuất, nhưng lại thiếu vốn. Đầu năm 2024, được sự tư vấn và hỗ trợ từ chính quyền địa phương, anh Phú đã tiếp cận được với khoản vay 100 triệu đồng từ Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Thanh Sơn.
Với số tiền này, anh đầu tư mua sắm máy móc hiện đại: Máy dọc, máy xẻ, máy vanh, máy bào… thay thế cho phương pháp thủ công năng suất thấp trước kia. Anh Phú tâm sự: “Ban đầu, tôi cũng lo lắng vì chưa từng vay số tiền lớn như vậy. Nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ tín dụng, tôi đã sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả. Có được máy móc hiện đại hỗ trợ, năng suất làm việc tăng cao gấp 3-4 lần so với làm thủ công trước đây.
Vì thế, đồ mộc của xưởng hiện không chỉ cung cấp cho các gia đình mà còn có thể sản xuất quy mô lớn theo đơn đặt hàng của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với mẫu mã đa dạng, chất lượng cao. Từ xưởng mộc này, trừ chi phí, mỗi năm tôi thu lãi được 1,2 tỷ đồng”. Không dừng lại ở đó, anh còn tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 10 triệu đồng/tháng.
Những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH không chỉ là công cụ hỗ trợ tài chính mà còn là động lực quan trọng giúp người dân trên địa bàn huyện Thanh Sơn thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Với thủ tục đơn giản, lãi suất thấp và sự hỗ trợ tận tình từ các tổ chức đoàn thể nhận uỷ thác, nguồn vốn ưu đãi này đã đến đúng tay những người cần, giúp họ khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương. Từ chăn nuôi, trồng trọt đến các ngành nghề tiểu thủ công, tín dụng ưu đãi đã mở ra cơ hội cho hàng trăm hộ dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo thống kê từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Sơn, tính đến hết quý I/2025, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện là 765,5 tỉ đồng với 13.052 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Các chương trình cho vay có dư nợ cao như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn… Những con số này là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi, góp phần không chỉ giảm nghèo mà còn thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Sau khi được vay vốn ưu đãi, anh Nguyễn Việt Phú ở khu Tân Thành, thị trấn Thanh Sơn đầu tư mua sắm máy móc hiện đại, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Đồng chí Bùi Đức Thắng – Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thanh Sơn cho biết: “Đơn vị luôn bám sát sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong việc nỗ lực giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích, nên đồng vốn ưu đãi đã và đang phát huy hiệu quả, giúp hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện từng bước vượt lên khó khăn”.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã có trên 4.000 hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách. Để góp phần đạt được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị – xã hội trong việc nhận uỷ thác với NHCSXH quản lý 398 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Thông qua việc tham gia và giám sát thực hiện công khai, minh bạch việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo của các tổ chức chính trị – xã hội đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Từ câu chuyện của anh Nguyễn Việt Phú và hàng trăm hộ dân khác ở huyện Thanh Sơn đã minh chứng rằng, khi được tiếp sức đúng lúc, người dân miền núi hoàn toàn có thể nỗ lực vươn lên. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi không chỉ là “cần câu” mà còn là động lực giúp người dân xây dựng tương lai tươi sáng hơn, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội của vùng đất này.
Hồng Nhung
Nguồn: https://baophutho.vn/von-uu-dai-mo-loi-thoat-ngheo-vuon-len-lam-giau-230772.htm