Việt Trì là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, có vị trí địa lý thuận lợi, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển thương mại – dịch vụ. Thêm vào đó, sự phát triển của ngành công nghiệp đã thu hút nhiều lao động đến làm việc, sinh sống và hộ cá thể kinh doanh dịch vụ. Từ những thuận lợi này, thành phố đã chỉ đạo các phường, xã thực hiện các giải pháp đồng bộ, nắm bắt nguyện vọng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiếp cận các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh và vai trò của đô thị trung tâm.
Các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố Việt Trì bày bán đa dạng các loại hàng hóa, thu hút khách hàng tới mua sắm.
Bên cạnh đó, thành phố cũng khuyến khích các hộ có nhà mặt đường mở rộng sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự cho người dân yên tâm đầu tư, mở rộng ngành nghề kinh doanh; quan tâm công tác quản lý thị trường, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại đến các hộ kinh doanh… Nhờ đó, hoạt động thương mại – dịch vụ của thành phố tăng nhanh cả về quy mô, số lượng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; chất lượng dịch vụ được nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Với sự phát triển về kinh tế, nhu cầu mua sắm của người dân tại các loại hình bán lẻ hiện đại trở nên phổ biến. Thành phố đã chú trọng phát triển các loại hình thương mại hiện đại, kết hợp giữa phương thức bán hàng truyền thống và thương mại điện tử, giúp phân phối, lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn. Toàn thành phố hiện có ba trung tâm thương mại, một trung tâm tổ chức sự kiện, 23 siêu thị quy mô vừa và nhỏ, 32 cửa hàng tiện ích, 18 chợ truyền thống hoạt động ổn định.
Cùng với hoạt động thương mại, các loại hình dịch vụ trên địa bàn thành phố cũng được chú trọng, đa dạng về loại hình, đảm bảo tính chuyên nghiệp, văn minh trong phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Đặc biệt, mạng lưới cơ sở dịch vụ lưu trú, ăn uống có sự phát triển mạnh, nhiều cơ sở cao cấp đang được đầu tư xây dựng, đáp ứng cơ bản yêu cầu phục vụ người dân và du khách khi diễn ra các sự kiện, lễ hội lớn. Toàn thành phố có 135 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số trên 2.300 phòng, trong đó có 20 khách sạn và 115 nhà nghỉ. Việc xây dựng, đưa vào khai thác tuyến phố ẩm thực trên đường Nguyễn Du, phường Nông Trang và tuyến phố Tiên Dung, phường Tiên Cát cũng là điểm nhấn, tạo đà cho hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú phát triển.
Các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch; dịch vụ đô thị; dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm; vận tải, bến bãi… được quan tâm, phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, chuyên nghiệp. Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năn, thế mạnh của từng địa phương, lĩnh vực thương mại – dịch vụ của thành phố luôn có mức tăng trưởng cao. Trong giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 69.206 tỉ đồng, trung bình đạt 23.069 tỉ đồng/năm, tốc độ tăng bình quân 12,1%/năm.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 28.000 tỉ đồng, tăng bình quân 10%/năm, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, tạo mọi điều kiện cho các đơn vị, cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh; phát triển du lịch có chất lượng, có thương hiệu, có tính chuyên nghiệp, hiện đại trên cơ sở khai thác tối ưu nguồn lực, lợi thế của thành phố; phát triển thương mại – dịch vụ đảm bảo đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, trong đó phát triển kết hợp các loại hình thương mại truyền thống và thương mại hiện đại, phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn; duy trì, nâng cao chất lượng các khách sạn, nhà nghỉ, tuyến phố ẩm thực và các dịch vụ lưu trú khác, khai thác có hiệu quả các khách sạn trên địa bàn… góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.