Với vị trí quan trọng của thành phố đô thị loại I trực thuộc tỉnh, Việt Trì là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của Phú Thọ và còn được biết đến là Thành phố có 2 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Với nhiều dấu tích liên quan đến thời đại Hùng Vương cùng các lễ hội mang nét văn hóa đặc trưng vùng Đất Tổ, đô thị Việt Trì đang phát triển nhanh, hài hòa gắn với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa bền vững theo hướng không gian xanh.
Xây dựng hạ tầng, nâng tầm đô thị
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, những năm gần đây Việt Trì ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông kết nối liên vùng và liên kết các khu chức năng. Đặc biệt, tập trung nâng cấp các đường vành đai và các tuyến phố chính, đường liên kết các khu dân cư; trong đó quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị.
Việt Trì phát triển không gian đô thị xanh
Không gian thành phố được định hướng phát triển theo mô hình cấu trúc “Một hành lang; một vành đai; một không gian xanh”. Lấy trục không gian Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam từ Đền Hùng đến ngã ba Bạch Hạc làm hành lang phát triển chính thức, bao quanh là Vành đai xanh gắn liền với hai con sông lớn. Toàn thành phố là một không gian xanh, gắn kết hài hòa không gian khu vực nông thôn với đô thị và không gian ven sông trở thành một tổng thể cảnh quan văn hóa – lịch sử – sinh thái ấn tượng, đặc trưng của vùng Đất Tổ. Phát triển thành phố thành điểm đến du lịch Lễ hội văn hóa lịch sử Quốc gia, thanh bình, hài hòa với không gian cảnh quan văn hóa đặc sắc dân tộc Việt Nam.
Hệ thống giao thông phát triển, góp phần kết nối giao thương giữa thủ đô Hà Nội với Vùng trung du miền núi phía Bắc (ảnh Tùng Vy)
Thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều khu đô thị mới và hàng chục tuyến đường giao thông nội thành, tạo liên kết giao thông với Quốc lộ 2, Quốc lộ 32C, cao tốc Nội Bài – Lào Cai… góp phần mở rộng giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Hạ tầng dịch vụ, du lịch tiếp tục được đầu tư, tiến tới hình thành công nghiệp xanh, sạch, tiến tới từng bước thực hiện di dời các cụm công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm thành phố.
Năm 2023-2024, Thành phố tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các dự án trên địa bàn, quan tâm chỉ đạo công tác bồi thường GPMB, thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, của thành phố đảm bảo đúng tiến độ và đạt chất lượng. Tiếp tục triển khai các công trình chuyển tiếp, đầu tư một số công trình, dự án mới đảm bảo đúng quy định; tập trung vào nhiệm vụ chỉnh trang đô thị, hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất, nâng cấp cải tạo đường giao thông, nâng cấp cải tạo một số khu vực công cộng, công viên, cây xanh,… Chú trọng chỉ đạo công tác quyết toán dự án, giảm nợ xây dựng cơ bản, chuẩn bị khởi công một số công trình, dự án, nhất là các công trình dự án giao thông trọng điểm. Thành phố quan tâm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong xây dựng đô thị văn minh hiện đại, trong năm 2023 đã ban hành Quy định về quản lý cây xanh trên địa bàn; hoàn thiện Quy chế quản lý đô thị thành phố Việt Trì (sửa đổi) lấy ý kiến tham gia góp ý của các Sở, ngành liên quan và Nhân dân, hoàn thiện Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng tại khu vực Công viên Văn Lang, triển khai xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn thành phố.
Cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại khu vực Công viên Văn Lang
Có thể khẳng định, Việt Trì đã và đang khai thác mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, kết hợp với kiến trúc đô thị truyền thống, giàu bản sắc văn hóa, tạo sự gắn kết giữa xây dựng đô thị văn minh – văn hóa trên địa bàn thành phố Việt Trì với xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Trong đó, xác định ngoài phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế theo hướng bền vững, lấy phát triển thương mại dịch vụ làm động lực, Việt Trì tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng cường ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, hướng đến đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0; phát huy hiệu quả của công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý đô thị; đầu tư đồng bộ để khai thác và sử dụng hiệu quả Trung tâm điều hành đô thị thông minh.
Bảo tồn văn hóa, xây dựng thành phố lễ hội
Theo quy hoạch, toàn bộ không gian, kiến trúc, hạ tầng đô thị của thành phố lễ hội sẽ được mở rộng phát triển theo hướng hiện đại, khang trang, xanh, sạch, đẹp. Trong quá trình đô thị hóa, xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc, Việt Trì luôn chú trọng bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cùng các di tích, danh thắng, lễ hội dân gian; trong đó có Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đến nay Thành phố đang phát triển theo hướng đô thị xanh, đảm bảo các tiêu chí của một thành phố sinh thái, du lịch, bảo vệ môi trường – những tiêu chí cần thiết để Việt Trì trở thành thành phố lễ hội.
Du khách tham gia Hát Xoan tại Đình Hùng Lô, xã Hùng Lô
Đề án “Xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030” có 8 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Tập trung xây dựng không gian thành phố lễ hội tại 3 khu vực chính Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Trung tâm thành phố Việt Trì và Bến Gót – Bạch Hạc; xây dựng không gian trung tâm lễ hội các khu vực, xã phường được gắn liền với các trung tâm công cộng, các điểm lễ hội tại khu dân cư; bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể thời kỳ Hùng Vương và các tài nguyên văn hóa truyền thống của dân tộc để trở thành các hoạt động lễ hội, nghiên cứu, phục hồi và tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống, các điển tích lịch sử, các trò chơi dân gian có ý nghĩa giáo dục và nghệ thuật cao; tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề truyền thống, các khu phố ẩm thực, cải thiện, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố lễ hội…
Giải Bơi chải thành phố Việt Trì mở rộng được tổ chức hàng năm vào dịp Lễ hội Đền Hùng thu hút đông đảo du khách
Đồng chí Nguyễn Mạnh Sơn – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Việt Trì khẳng định: Để phát triển đô thị gắn với bảo tồn văn hóa, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng đô thị văn minh văn hóa; khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Thành phố đang tập trung thu hút mọi nguồn lực xây dựng thành phố theo quy hoạch đồng thời tập trung đa dạng hóa các hình thức huy động vốn đầu tư như đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công – tư và hình thức đầu tư không sử dụng vốn ngân sách. Năm 2023, 100% các chỉ tiêu KT-XH của thành phố đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tổng thu NSNN trên địa bàn do thành phố thực hiện tiếp tục đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Với thành tựu đạt được và tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền thành phố, mục tiêu xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế sẽ sớm đạt được.
Việt Hà
Nguồn: https://baophutho.vn/viet-tri-gan-phat-trien-do-thi-xanh-voi-bao-ton-gia-tri-van-hoa-213091.htm