“Làng Trầu” là vùng đất của kinh đô Văn Lang xưa, nay là phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì. Hòa cùng với dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, làng Trầu xưa – phường Dữu Lâu nay chứa đựng cả bề dày và sự phong phú, độc đáo của vùng Đất Tổ, khi những tên đất, tên làng gắn liền với các sự tích thời đại Hùng Vương. Nơi đây lưu giữ những di tích thờ tự các Vua Hùng và tướng lĩnh của đời Hùng Vương như: Đình Bảo Đà, đình Hương Trầm.., trong đó, nổi bật là đình Dữu Lâu – ngôi đình thờ Hoàng tử Lang Liêu với sự tích “Bánh chưng, bánh giầy”.
Toàn cảnh đình Dữu Lâu, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì
Theo truyền thuyết và sử sách ghi lại, Hoàng tử Lang Liêu là con thứ của Vua Hùng Vương thứ 6 (Hùng Huy Vương), sống tại làng Dữu Lâu, được biết đến với phẩm chất thông minh, hiếu thuận và chăm chỉ làm lụng, sống gần gũi với Nhân dân.
Qua cuộc thi làm cỗ dâng Vua cha nhân ngày mừng thọ, Hoàng tử Lang Liêu đã làm nên hai loại bánh độc đáo tượng trưng cho “Trời tròn – Đất vuông” là bánh chưng và bánh giầy. Nhờ ý nghĩa sâu sắc và sự khéo léo của mình, Hoàng tử Lang Liêu được Vua cha chọn làm người kế vị, trở thành Vua Hùng thứ 7, hiệu là Hùng Chiêu Vương.
Ngay từ khi lên ngôi, Hùng Chiêu Vương đã thể hiện mình là một vị vua hiền tài, đức độ. Ngài luôn tu rèn bản thân, sống giản dị và lấy nhân nghĩa làm gốc để trị vì thiên hạ. Tâm niệm của Vua Hùng Chiêu Vương là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân và bảo vệ bờ cõi quốc gia.
Câu chuyện về Hoàng tử Lang Liêu và bánh chưng, bánh giầy luôn được nhắc lại như một niềm tự hào về nền văn hóa nghìn năm và truyền tải thông điệp về đạo hiếu cùng lối sống trách nhiệm của người Việt Nam. Với tấm lòng hiếu nghĩa với tổ tiên và thương yêu dân nên khi Vua Hùng Chiêu Vương băng hà, nhân dân làng Dữu Lâu lập miếu thờ Ngài, gọi là “Dữu Lâu Vũ Miếu” và tôn vinh là Lang Liêu Đại Vương.
Trải qua hàng ngàn năm, đến thời Vua Lê Thánh Tông (năm 1557-1573) đã cho các quan bộ lễ đi khảo sát các nơi thờ cúng Tổ Tiên, xem xét, xếp đặt lại các đền, chùa, đình, miếu. Đồng thời ghi chép lại di tích, sự tích và truyền thuyết lập ra các thần tích cho từng làng.
Khi xem xét lại sự tích và các di tích ở vùng Dữu Lâu, Vua đã truyền chỉ: Hợp nhất Miếu Dữu Lâu thờ Lang Liêu Đại Vương và Đền Ổ Rồng thờ Tản Viên Sơn Thánh để thờ chung ở đình làng, đồng thời phong sắc chỉ tôn thờ các vị đại nhân đã có công với nước, gồm: Tản Viên Sơn thánh Đại Vương; Cao Sơn Thánh thần Đại Vương; Quý Minh Thánh thần Đại Vương; Lang Liêu Thánh thần Đại Vương; Bộ San Đại Vương; Ả nương Công chúa Đại Vương. Vua giao cho dân làng Dữu Lâu hương khói, thờ phụng mãi về sau…
Ông từ Tạ Văn Thịnh thường xuyên trông coi, dọn dẹp, giữ gìn đình Dữu Lâu
Đình Dữu Lâu được xây dựng khá sớm, theo truyền ngôn, đình có từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVI-XVII. Trải qua những năm kháng chiến chống Pháp, mảnh đất Dữu Lâu là vùng đất giáp danh với đình, là nơi tập trung du kích và bộ đội.
Năm 1947 sau khi đại bại trên sông Lô, những chiếc tàu chiến của Pháp trên đường rút chạy đã nã đại bác vào đình làm sập ngôi Thiên trụ của làng, chúng còn lục soát và đốt phá, do đó, tài liệu và hiện vật về ngôi đình đến nay hầu như không còn được lưu giữ. Tuy nhiên, với lòng thành kính các vị tiền nhân, dân làng Dữu Lâu đã cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng lại ngôi Đình để tri ân công đức Tổ tiên và góp phần xây dựng, gìn giữ bản sắc văn hóa trên quê hương làng Trầu.
Năm 2001, UBND tỉnh Phú Thọ đã có quyết định cho Nhân dân Dữu Lâu được khôi phục lại đình làng Dữu Lâu. Đình được khởi công ngày mùng 6 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (2002). Ngôi thiên trụ của làng đã hoàn thành với diện tích 226m2. Đình có bố cục theo kiểu chữ Đinh, cửa theo hướng Đông Bắc, cấu trúc bộ khung gồm 6 hàng cột, vì kèo kiểu thượng giường hạ kẻ giống như các ngôi đình cổ gồm 3 gian 2 dĩ, dạ tàu lá mái, lợp ngói mũi hài. Đình được phục hồi 4 mái đao cong vút, trên bờ sối có đắp con xô. Nóc đình trang trí lưỡng long chầu nguyệt, ở các đầu bẩy, cuốn nách, cuốn mê được trạm khắc hoa văn, mây, cây cỏ. Đó là những hình thức trang trí hoa văn truyền thống của đình làng.
Ông Tạ Văn Thịnh – người trông coi tại đình Dữu Lâu cho biết: Mặc dù đình được phục hồi bằng chất liệu bê tông nhưng dưới bàn tay tài hoa của người thợ đã tạo cho ngôi đình kiến trúc cổ truyền, sống động. Hàng năm, đình Dữu Lâu tổ chức 5 lễ hội theo âm lịch: Hội mùng 6 tháng Giêng; Hội mùng 10 tháng 3; Hội mùng 10 tháng 4; Hội mùng 5 tháng 5; Hội mùng 10 tháng 10. Tại lễ hội có trò chơi đánh Phết, Nhân dân quen gọi là đánh Lốc, thu hút đông đảo người dân và du khách đến thăm quan. Đình Dữu Lâu cũng là nơi được các đầu bếp thuộc các chi hội, câu lạc bộ, doanh nghiệp và người yêu ẩm thực trên cả nước tổ chức Lễ dâng hương để tưởng nhớ công lao Hoàng tử Lang Liêu – Hùng Chiêu Vương.
Đình làng Dữu lâu chứa đựng giá trị nghệ thuật to lớn về di sản văn hóa phi vật thể, theo các nhà nghiên cứu, đình là nơi duy nhất trên toàn quốc thờ tự Lang Liêu Thánh thần Đại Vương, đồng thời cũng là nơi trực tiếp tham gia vào công cuộc giữ nước với những sự kiện tiêu biểu. Qua đó góp phần giáo dục các thế hệ học tập và noi theo, là minh chứng hùng hồn và đầy sức thuyết phục trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Hoàng Giang
Nguồn: https://baophutho.vn/ve-lang-trau-nghe-tich-lang-lieu-216230.htm