Nằm giữa núi rừng bao la, Di tích lịch sử Căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân- xã Xuân An, huyện Yên Lập là nơi ghi dấu hoạt động cách mạng và lưu truyền nhiều câu chuyện lịch sử của Ngư Phong Tướng công Ngô Quang Bích – người khởi xướng phong trào Cần Vương chống Pháp của Nhân dân ta cuối thế kỷ XIX.
Miếu thờ Tướng công Ngô Quang Bích tại Di tích Căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân.
Tướng công Ngô Quang Bích, hiệu Ngư Phong, sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Thìn (1832) người làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Năm 1861, ông đỗ cử nhân, nhưng dâng sớ xin ở nhà mở trường dạy học… Thấy quê nhà bị úng lụt mất mùa, ông tổ chức đào sông Sứ, xây cống Tam Đồng, đưa nước vào tưới tiêu, từ đó hai mùa tốt tươi (dân ngợi ca, để ruộng làng cúng tế sau khi ông mất).
Năm 1869 khoa Kỷ Tỵ ông thi đỗ Đình Nguyên Hoàng Giáp, lần lượt giữ các chức: Nội các thừa chỉ ở Kinh, Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa), Tri phủ Lâm Thao (Hưng Hóa), Án Sát Bình Định, Án Sát Sơn Tây, Tế Tửu Quốc Tử Giám, được Vua giao duyệt bộ “Việt sử Thông giám cương mục”, Chánh sứ Sơn phòng kiêm Tuần Phủ Hưng Hóa. Ông có công thu dụng tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc để tiễu phỉ, sau chống Pháp, hai lần giết tướng giặc ở Cầu Giấy. Suốt thời gian làm quan ông được vua khen “Quan thanh liêm” dân xưng là “Hoạt Phật”.
Anh Đinh Hồng Quân – thành viên Ban Quản lý Khu di tích giới thiệu về Tượng bán thân Tướng công Ngô Quang Bích được làm từ đá xanh nguyên khối.
Năm 1883 triều đình ký hàng ước với Pháp, triệu hồi ông về Kinh nhậm chức. Ông đã nộp trả ấn tín, quyết tử chiến bảo vệ thành Hưng Hóa. Giặc đưa 2 binh đoàn với hơn 7.000 quân cùng tầu chiến, đại bác tiến đánh. Thành vỡ, ông định tuẫn tiết, nhưng được quân lính mở đường máu, rút lên Tiên Động, Cẩm Khê dựng cờ khởi nghĩa. Khắp nơi anh hùng hào kiệt kéo về tụ nghĩa. Hơn 1 năm sau, khi vua Hàm Nghi lên ngôi sai sứ ra phong chức Hiệp Biện Đại Học sỹ, Lễ Bộ Thượng Thư, Hiệp Thống Bắc Kỳ Quân vụ Đại Thần, Thuần Trung Hầu, được quyền văn từ Tham Tán, võ từ Để Đốc “liệu nghi lục dụng” và cử ông hai lần đi sứ cầu viện. Tuy việc không thành bởi triều đình nhà Thanh đã thỏa hiệp với Pháp, nhưng những chuyến ngoại giao của ông đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của Sĩ phu miền Nam Trung Quốc.
Tháng 11 năm 1886 ông quyết định chuyển Đại bản doanh lên Nghĩa Lộ nhằm mở rộng địa bàn với chủ trương đón Vua Hàm Nghi ra Bắc. Giặc mấy lần tấn công lên Nghĩa Lộ đều bị thất bại thảm hại. Năm 1888 ông lui binh về Quế Sơn châu Yên Lập xây dựng căn cứ tại núi Tôn Sơn Mộ Xuân, tổ chức trận đánh năm Kỷ Sửu khi giặc tiến sâu vào căn cứ địa, tiêu diệt hơn 500 quân giặc đồng thời làm căn cứ để củng cố phong trào kháng chiến lâu dài.
Suốt 7 năm (1883-1890) với cương vị lãnh tụ của phong trào Cần Vương Bắc Kỳ, ông đã tập hợp và đoàn kết được đồng bào các dân tộc, biết dựa vào núi rừng kết hợp lối đánh du kích với lối đánh “du binh”, địa bàn thiên la địa võng của chiến tranh Nhân dân, và được nhiều tướng giỏi phò tá như Tống Duy Tân, Tán Thuật, Bố Giáp, Đề Kiều, Đốc Ngữ.. đã làm cho quân Pháp nhiều phen thất điên bát đảo…
Đền thờ Tướng công Ngô Quang Bích ở Khe Cháu, xã Xuân An, huyện Yên Lập.
Trong đó, dù thời gian hoạt động ở Yên Lập chỉ có 2 năm (1889-1890) nhưng căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân đã đánh dấu bước chuyển, bài học kinh nghiệm về xây dựng căn cứ phòng thủ để luyện tập quân sự, củng cố hệ thống đồn phòng và chuẩn bị vũ khí, lương thảo phục vụ cho kế hoạch đánh Pháp lâu dài. Chính vì thế căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân là một trong những di tích tiêu biểu gắn liền với phong trào Cần Vương kháng Pháp ở miền thượng du Tây Bắc cuối thế kỷ XIX do Tướng quân Ngô Quang Bích lãnh đạo. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, năm 2012 UBND tỉnh đã quyết định xếp hạng căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu về thăm viếng, thắp hương cho Tướng công Ngô Quang Bích của bà con Nhân dân và du khách thập phương, Di tích Căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân đã được tu bổ, tôn tạo khang trang, đẹp đẽ, linh thiêng với các hạng mục như: Khu vực miếu thờ Tướng công Ngô Quang Bích; tượng bán thân của ông làm bằng đá xanh nguyên khối do Tiến sỹ Ngô Quang Nam – Trưởng Ty Văn hóa Vĩnh Phúc (xưa) là hậu duệ đời thứ 5 của Tướng công cung tiến và đền thờ Tướng công Nguyễn Quang Bích trên đỉnh núi Tôn Sơn, khe Cháu. Trong đó, có một chi tiết khá đặc biệt là từ miếu thờ lên tượng bán thân của ông có tổng số 58 bậc đá, tượng trưng cho tuổi đời của ông.
Tưởng nhớ công lao của Tướng công Ngô Quang Bích – người có công lớn trong phong trào Cần Vương chống Pháp, chính quyền và Nhân dân địa phương nơi đây không chỉ thường xuyên chăm sóc, bảo vệ Khu di tích, mà còn luôn nỗ lực thực hiện tốt các phong trào thi đua, xây dựng xã Xuân An ngày càng giàu mạnh, phát triển…
Vĩnh Hà
Nguồn: https://baophutho.vn/ve-di-tich-can-cu-ton-son-mo-xuan-213574.htm