Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới (Nghị quyết 20); Chương trình hành động số 29-CTr/TU, ngày 31/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết 20, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh đã làm tốt vai trò dẫn dắt, thúc đẩy phát triển HTX, góp phần ổn định chính trị, an sinh xã hội, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
HTX nông nghiệp xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê xây dựng trên 300ha vùng trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.
Với phương châm phát triển KTTT, HTX lấy chất lượng, hiệu quả làm thước đo, phát triển đa dạng các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với khai thác tiềm năng, thế mạnh, thiết thực xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thời gian qua đã thành lập mới 59 HTX, vượt trên 65% kế hoạch đề ra, nâng số HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh 581 HTX, chiếm 80,3% so với tổng số HTX. Doanh thu bình quân đạt hơn 3,2 tỷ đồng/HTX/năm, tăng 354 triệu đồng so với năm 2022, đạt 102% so với kế hoạch năm 2023; lợi nhuận bình quân đạt 219 triệu đồng HTX/năm, tăng 23 triệu đồng so với năm 2022; tổng số vốn điều lệ của các HTX đạt 779.911 tỷ đồng. Tổng số thành viên tham gia HTX 105.798 thành viên, các HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 6.250 lao động, đồng thời tạo ra trên 52.000 việc làm ngắn hạn, thời vụ cho lao động địa phương. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 4,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 0,8 triệu đồng so với năm 2022, đạt 114,3% so với kế hoạch năm 2023, qua đó người dân, thành viên yên tâm, tin tưởng khi tham gia vào HTX.
Phong trào xây dựng mô hình HTX kiểu mới đã hình thành các điểm sáng HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực địa phương: Chè, bưởi, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, rau an toàn… Điểm nổi bật, số HTX đã có sản phẩm hàng hóa tăng mạnh so với 5 năm trước đây. Toàn tỉnh có trên 150 HTX đã có sản phẩm hàng hóa, trong đó có nhiều HTX có sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu tập thể, bao bì, mẫu mã đẹp; có 127 sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên, chiếm 49,03% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh, (trong đó có 30 sản phẩm hạng 4 sao, 97 sản phẩm hạng 3 sao). Các sản phẩm: Chè Long Cốc, chè Phú Thịnh, mì gạo Hùng Lô, mì gạo Thạch Đê, mì gạo Cự Thắng, thịt chua Thanh Sơn, bưởi đặc sản Đoan Hùng, nếp Gà gáy Mỹ Lung,… đã góp phần giới thiệu hình ảnh quê hương, nét đẹp truyền thống văn hóa, tinh thần của con người Phú Thọ đến với khách hàng trong nước, quốc tế.
Những kết quả đáng mừng của khu vực KTTT, HTX khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, định hướng hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các sở, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự cố gắng, nỗ lực của Liên minh HTX tỉnh cùng các tổ chức thành viên. Tập trung đổi mới công tác vận động, tuyên tuyền thành viên thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX; chủ động, sáng tạo trong xây dựng các mô hình HTX điển hình; không ngừng quan tâm, bồi dưỡng trình độ, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cán bộ quản lý HTX; triển khai các chính sách hỗ trợ HTX như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ các HTX giải quyết khó khăn về thị trường, vốn…
HTX sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ xuyên, Thanh Ba nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xuất khẩu.
Để tiếp tục phát huy hơn nữa đóng góp của khu vực KTTT, nòng cốt là các HTX đối với kinh tế – xã hội của tỉnh và xây dựng nông thôn mới bền vững, Liên minh HTX tỉnh cùng các HTX thành viên, các tổ chức KTTT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc chủ trương xây dựng đất nước nói chung, xây dựng, phát triển KTTT, HTX nói riêng. Bằng nhiều hình thức đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 20 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 31/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết 20; xác định đây là nền tảng quan trọng để triển khai phát triển KTTT, HTX trong giai đoạn tới. Phổ biến, quán triệt Luật HTX năm 2023, các văn bản hướng dẫn thi hành, các chính sách của Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích phát triển KTTT đến cán bộ, đảng viên, thành viên, người lao động trong HTX và các tầng lớp nhân dân.
Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các sở, ngành làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong triển khai Nghị quyết của Đảng. Phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh rà soát các chính sách đã thực hiện làm cơ sở để xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường phối hợp tham mưu với UBND tỉnh có biện pháp nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX củng cố tổ chức, nâng cao năng lực, phát huy lợi thế vốn có của KTTT, HTX xây dựng chuỗi giá trị, phát triển theo hướng bền vững, tăng sức cạnh tranh sản phẩm của HTX trên thị trường; hướng mạnh hoạt động về địa phương, cơ sở, tổ chức các hoạt động tư vấn, triển khai các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy KTTT, HTX phát triển toàn diện.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò cầu nối, dẫn dắt thúc đẩy KTTT, HTX phát triển. Chú trọng tư vấn, hỗ trợ các HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý HTX và tổ chức sản xuất, kinh doanh, quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường qua không gian mạng, kết hợp giữa kinh doanh truyền thống và kinh doanh trên nền tảng số, đẩy mạnh hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại. Hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, mở rộng quy mô, tăng cường liên kết, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mở rộng hợp tác để hỗ trợ KTTT, HTX phát triển, đáp ứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới bền vững.