Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn, lũ lịch sử, gây thiệt hại về người, tài sản. Đáng chú ý, mưa lũ đã gây sạt lở đất ở nhiều vị trí bờ vở sông và nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các địa phương đang tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
Lực lượng chức năng cắm biển, căng dây cảnh báo nguy hiểm tại điểm sạt lở bờ vở hữu sông Thao địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông.
Theo thống kê sơ bộ đến ngày 15/9, do ảnh hưởng cơn bão số 3 và hoàn lưu cơn bão, tại tỉnh Phú Thọ, sạt lở đất đã khiến 1 người chết, 30 vị trí bờ vở sông bị sạt lở với tổng chiều dài gần 20km. Toàn tỉnh cũng đã có 200 vị trí đường giao thông bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 50km (khối lượng đất đá sạt lở khoảng 26.500m3).
Tại huyện Hạ Hòa, sạt lở đất đã khiến 1 người dân ở xã Tứ Hiệp bị tử vong. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện bị hư hỏng, sạt lở như: Quốc lộ 32C, Quốc lộ 2D, Quốc lộ 70; đường huyện, liên thôn, liên xã nhiều vị trí bị sạt lở, ảnh hưởng tới 11 xã, thị trấn, khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Hồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa, để khắc phục sớm thiệt hại sau cơn bão số 3, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các phòng, ban, cơ quan, đơn vị của huyện chủ động kiểm tra, rà soát các taluy, sườn đồi dốc có nguy cơ sạt lở đất, sụt lún bờ vở sông do tác động của mưa, lũ hoặc thay đổi dòng chảy… di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời kiểm tra, rà soát các khu dân cư giáp ven sông, ngòi, khu vực đất thấp trũng vừa xảy ra lũ lụt, sạt lở đất để chủ động các biện pháp ứng phó, xử lý sớm. Tổ chức lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, cắm biển cảnh báo, rào chắn, hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại khu vực sạt lở, sạt trượt đất, sụt lún bờ vở sông do mưa lũ để sớm khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến, trục giao thông khi xảy ra mưa lớn. Báo cáo kịp thời về UBND huyện khi có sự cố phát sinh sau mưa lũ để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều điểm có nguy cơ cao gây ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, gây rủi ro lớn về người và tài sản. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, những ngày tới bão lũ có khả năng xảy ra, ảnh hưởng tới các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, việc xác định, triển khai ứng dụng các giải pháp cảnh báo, dự báo, xây dựng công trình giảm nhẹ rủi ro là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Để thực hiện điều đó, cần có các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai như: Đầu tư hạ tầng cơ sở, nâng cao năng lực cảnh báo sớm, năng lực tự ứng phó, đặc biệt trong cộng đồng dân cư cũng như đầu tư hệ thống thông tin tới người dân.
Theo đồng chí Nguyễn Hùng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, việc ứng phó với sạt lở đất cần chủ động theo phương châm “phòng hơn chống”. Các cấp chính quyền cần rà soát, xử lý tốt các điểm sạt lở, áp dụng phương pháp gia cố tạm thời, tránh xảy ra thiệt hại không đáng. Coi trọng công tác dự tính, dự báo, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai các cấp; tuyên truyền, trang bị kiến thức, cung cấp thông tin về phòng, chống thiên tai cho người dân.
Đối với các địa phương, phải khẩn trương di dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao, rà soát quy hoạch dân cư, hạ tầng cơ sở, bảo đảm giảm thiểu tác động do thiên tai gây ra. Phát huy vai trò của các đội xung kích, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, kịp thời ứng phó, giảm thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đặc biệt, các địa phương cần tích cực trồng và bảo vệ rừng nhằm chống xói lở đất.
Trịnh Hà
Nguồn: https://baophutho.vn/ung-pho-voi-sat-lo-dat-phong-hon-chong-219275.htm