Xác định ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là xu hướng tất yếu, giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã chú trọng phát triển các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ.
Anh Phạm Văn Tuấn – chủ cơ sở nuôi trồng và phân phối Đông trùng hạ thảo Nam Dương, khu 3, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì tích cực áp dụng công nghệ vào sản xuất.
Hội Nông dân tỉnh hiện có trên 200.000 hội viên. Nhằm giúp hội viên nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Hội thường xuyên vận động hội viên áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Năm 2024, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho trên 54.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; xây dựng được 209 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Cùng với đó, cung ứng trên 155 tấn giống, 2,65 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 2.174 tấn thức ăn chăn nuôi các loại, 164 chiếc máy nông nghiệp với tổng giá trị 25 tỷ đồng. Phối hợp với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cung ứng trên 7.700 tấn phân bón NPK chậm trả với số tiền trên 54,7 tỷ đồng; hỗ trợ cước vận chuyển cho 5 huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy, Đoan Hùng trị giá 474 triệu đồng.
Tổ chức thực hiện 2 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh ”Xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP và nông sản cho hội viên Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” và cấp cơ sở “Thiết kế, nâng cấp Trang thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ”.
Đồng chí Đặng Việt Anh – Trưởng Ban Kinh tế – Xã hội, Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hội nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên thay đổi tư duy, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình của các hội viên áp dụng thành công khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đem lại hiệu quả tích cực như công nghệ nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới tiết kiệm, nuôi cá sông trong ao, các quy trình trồng trọt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…
Năm 2020, anh Phạm Văn Tuấn ở khu 3, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì – chủ cơ sở nuôi trồng và phân phối Đông trùng hạ thảo Nam Dương đã mạnh dạn triển khai mô hình trồng nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo ứng dụng công nghệ cao với quy mô rộng hơn 200m2. Anh đã đầu tư lắp đặt hệ thống phòng vô trùng, phòng lạnh, phòng cấy nấm và các trang, thiết bị cần thiết cho việc nuôi cấy Đông trùng hạ thảo như máy lắc, nồi hấp, máy sấy lạnh thăng hoa, điều hòa, giá nuôi… với tổng chi phí ban đầu trên 1 tỷ đồng. Anh Tuấn chia sẻ: “Bước đầu nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nấm bị hỏng nhiều nhưng tôi vẫn quyết tâm vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, vợ chồng động viên nhau vượt qua khó khăn, đến nay mô hình đã đi vào ổn định, đem lại thu nhập cho gia đình gần 800 triệu đồng/năm”.
Những kết quả đạt được là điều kiện thuận lợi để các cấp Hội Nông dân tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp, giúp tăng năng suất, giảm thiểu công lao động, qua đó góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Linh Nguyễn
Nguồn: https://baophutho.vn/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-san-xuat-223639.htm