Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì đã có những cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi ngay tại đất quê, thiết thực góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp và tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh.
Anh Hoàng Trọng Thái ở khu 4 đầu tư máy móc mở xưởng sản xuất đồ gia dụng, trừ chi phí mỗi năm thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề mộc, sau khi xuất ngũ, năm 2013, anh Hoàng Trọng Thái (sinh năm 1993) ở tổ 7, khu 4 đã nối nghiệp ông cha đầu tư làm nghề mộc. Quen nghề, quen khách, xưởng mộc của gia đình anh ngày càng phát triển, trang bị những máy móc hiện đại, đưa ra thị trường đa dạng sản phẩm: Tủ, bàn ghế, thiết kế đóng trần, vách,…
Anh Thái chia sẻ: “Dựa vào nhu cầu của khách hàng, xưởng sẽ tạo ra những sản phẩm đáp ứng về chất lượng, tính thẩm mỹ, giá cả phù hợp. Sản phẩm của xưởng mộc không chỉ được bán ở trong xã mà còn phân phối ra các địa phương lân cận. Hiện, xưởng mộc của gia đình giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập từ 9-10 triệu đồng/người/tháng”.
Nhờ đôi bàn tay khéo léo cộng với sự nhạy bén, năng động, giờ đây anh Thái đã gây dựng cơ ngơi đàng hoàng, duy trì hoạt động sản xuất quanh năm với tổng thu nhập 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí thu lãi khoảng 150 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Hoàng Trọng Thái còn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận vì luôn nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương. Với vai trò là Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) nghề mộc thanh niên, anh thường xuyên trau dồi, tìm tòi học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, động viên giúp đỡ các thành viên trong CLB cùng vươn lên phát triển kinh tế.
Cũng là tấm gương sáng về phong trào thi đua phát triển kinh tế ở xã Thanh Đình, anh Bùi Phú Bằng (sinh năm 1990) ở khu 5 đã gây dựng cơ nghiệp bằng nghề kinh doanh vận tải. Gia đình anh hiện có 6 chiếc xe chuyên chở hành khách từ 7 chỗ đến 45 chỗ ngồi, đáp ứng nhu cầu về phương tiện đi lại của người dân, đem lại doanh thu 700 triệu đồng/năm, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Nhờ kinh doanh dịch vụ vận tải thuận lợi, anh Bùi Phú Bằng ở khu 5 không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Mô hình nghề mộc của anh Hoàng Trọng Thái và kinh doanh vận tải hành khách của anh Bùi Phú Bằng không chỉ mang lại giá trị về mặt kinh tế mà tạo sức lan tỏa, khơi dậy tinh thần nỗ lực vươn lên, giúp cho thế hệ trẻ ở địa phương có thêm động lực khởi nghiệp, lập nghiệp. Nhằm giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, thời gian qua, Đoàn xã đã rà soát nhu cầu và cử ĐVTN tham gia ngày hội tư vấn việc làm cũng như các lớp tập huấn, đào tạo nghề do Thành đoàn và Tỉnh đoàn tổ chức; tăng cường công tác phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về nghề nghiệp, việc làm, các chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. Năm 2023, toàn xã có 18 thanh niên được đào tạo du học và xuất khẩu lao động sang các nước Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…
Cùng với đó, ĐVTN trong xã đã chủ động chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển nhiều ngành nghề như: Kinh doanh dịch vụ, mở xưởng cơ khí, trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi tổng hợp, sửa chữa ô tô… Từ đó, đã có hàng chục thanh niên bám đất quê, xây cơ nghiệp làm kinh tế giỏi, tăng thu nhập cho gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều ĐVTN trong xã.
Đồng chí Lê Thị Đào – Bí thư Đoàn xã cho biết: Nhằm hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế, Ban chấp hành Đoàn xã đã tích cực tạo điều kiện để thanh niên được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu lao động và vốn vay 120 của Trung ương Đoàn với dư nợ hơn 1 tỷ đồng. Đồng thời, duy trì mô hình ĐVTN giúp nhau góp vốn sản xuất kinh doanh bằng hình thức chơi phường, họ. Mỗi tháng 15-20 ĐVTN được giúp đỡ về vốn từ 15-30 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Các CLB, nhóm giúp nhau lập nghiệp như: CLB Đoàn phường thanh niên, CLB nghề mộc, CLB trồng hoa và cây cảnh,… đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng vượt khó, vươn lên làm giàu.
Từ những cách làm đổi mới, sáng tạo thể hiện sức trẻ, sự năng động cùng tinh thần xung kích, ĐVTN Thanh Đình đã vươn lên phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.
Khánh Huyền
Nguồn: https://baophutho.vn/tuoi-tre-thanh-dinh-bam-dat-que-xay-co-nghiep-221165.htm