Nước Việt Nam ta có một di tích lịch sử được các nhà sử học đánh giá là “siêu di tích” – đền thờ 18 đời Vua Hùng, nằm ở vùng đất trung du Phú Thọ – “đất Tổ” của trăm họ dân Việt trên khắp thế giới. Mồng Mười tháng Ba âm lịch, nếu không thể trực tiếp hành hương thắp nhang cúng Tổ thì người Việt Nam mọi miền cùng hướng về đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì) bái vọng chốn linh thiêng, đó là nơi khởi đầu cho sự mở mang một quốc gia có hàng nghìn năm văn hiến…
Mỗi một thời đi qua, bánh xe lịch sử lại hằn thêm những dấu ấn trên lộ trình hướng về phía trước. Lịch sử của mỗi quốc gia thường để lại chứng tích. Chứng tích có thể ngắm nhìn, có thể chạm vào, nhưng bản nguyên lịch sử thì đã đi vào tâm thức mỗi người theo tuần hoàn của máu và trường tồn trong giao ứng đồng vọng giữa quá khứ và hiện tại. Là người Việt thì có thể khóc khi mỗi sớm mai thức dậy đặt bàn chân lên đất và nghe trong mạch nguồn sâu thẳm lịch sử-văn hiến từ thuở ngàn xưa. Sử sách và huyền tích chứng ghi: Lịch sử-văn hiến Việt Nam bắt đầu từ thời đại của các Vua Hùng.
Rất nhiều năm trước, có người từng tìm đặt ra câu hỏi: Có hay không thời đại các Vua Hùng? Thực tế mấy trăm năm qua và nhất là mấy chục năm qua, các nhà sử học, dân tộc học, khảo cổ học và nghệ thuật học với lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc đã dày công vén lên những bức màn lịch sử và hiển hiện dần quá khứ, hiển hiện dần một thực tế Quốc Tổ từ bốn nghìn năm trước.
Lịch sử hay huyền thoại? Tôi thật sự thú vị khi đọc được ý kiến của cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng: “Huyền thoại phủ lên những di tích và danh thắng như một màn sương nhẹ khiến các đường nét của cỏ cây và kiến trúc đều nhạt nhòa như hiện trong hiện thực cuộc đời”. Và cũng thêm cảm mến nữ văn sĩ nổi tiếng Blaga Dimitrova người Bulgary khi bà thăm Việt Nam đã có nhận xét: “Ở xứ sở này thật khó phân biệt đâu là huyền thoại, đâu là lịch sử”. Xin cảm ơn cố Giáo sư Trần Quốc Vượng và nữ văn sĩ Blaga Dimitrova trong những ý tưởng súc tích đã khai sáng một cái nhìn rõ ràng hơn khi ngẫm về ngọn nguồn lịch sử của đất nước…
Từ thuở thiếu thời tôi đã mê câu chuyện về nàng công chúa con Vua Hùng thứ 18 bởi bà đã làm cho cả Sơn thần và Thủy thần nổi trận lôi đình. Tôi mê mối tình Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Tôi thích chàng hoàng tử Lang Liêu hiếu nghĩa biết chọn dâng vua cha thứ bánh gạo dẻo tượng trưng cho đất vuông, trời tròn.
Trong giấc mơ của tuổi ấu thơ tôi có hình ảnh cậu bé Phù Đổng ở làng Gióng lên ba chưa biết nói biết cười đã vụt nhiên đứng dậy ăn hết “bảy nong cơm, ba nong cà, uống một hơi nước cạn đà khúc sông” và nhổ tre đằng ngà đuổi giặc Ân cứu nước. Thuở ấy, trong tư duy non nớt của tôi chưa thể phân định đâu là thực, đâu là huyền mà chỉ biết đó là chuyện ngày xưa của đất nước mình. Tôi sinh ra, lớn lên và đã sống trong mạch nguồn cảm xúc tâm tưởng như thế.
Người dân trảy hội Đền Hùng. |
Người phương Tây duy lý nhưng đã đẻ ra một kho tàng thần thoại phong phú vô cùng mà đỉnh cao là vương quốc của thần Dớt trên đỉnh Olympia. Phải chăng, thần thoại đó là bóng dáng của các quốc gia cổ đại thời sơ sử của họ? Nói điều này như một liên tưởng ngẫu hứng, không có ý so sánh…
Lịch sử và huyền thoại về thời đại Hùng Vương đan dệt, hòa quyện vào nhau. Công việc của các nhà khoa học là “giải ảo hiện thực” để phục dựng, tái hiện lại sự thực khách quan thời đại các Vua Hùng, còn dân gian xưa thì nội tâm hóa mọi nghiệm sinh lịch sử để qua cái nhìn huyền thoại hay huyền tích mà xuất lộ những câu chuyện truyền miệng để đời.
Trong một thời đại của tiền nhân cổ sơ, tổ tiên ta đã thật lãng mạn khi thần thánh hóa sức mạnh trần gian, những cái “thực” mà không “thật”. Giữa lịch sử và huyền thoại về thời đại Hùng Vương, về đất Tổ Phú Thọ được nhìn bằng một cái nhìn như thế. Mẹ Tiên Âu, bố Rồng Lạc là cặp vợ chồng khởi nguyên thần thoại của dân tộc Việt Nam. Nhưng Âu Việt miền đồi gò thung lũng kết hợp với Lạc Việt miền biển cả để trở thành quốc gia Âu Lạc lại là hiện thực.
Vén qua bức màn huyền thoại, sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng, sự nghiệp chống bành trướng phương Bắc của người Việt cổ lại là hiện thực lịch sử. Lịch sử ấy mơ hồ ẩn hiện trong huyền thoại về cuộc chiến “trị thủy” Sơn Tinh-Thủy Tinh, trong hình ảnh cậu bé làng Gióng vung roi sắt đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi. Lịch sử ấy có thể sờ bằng tay, nhìn bằng mắt qua hàng trăm di chỉ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt sớm được phát hiện và khai quật liên tiếp trong mấy chục năm qua trên vùng đất Tổ.
Khi đến thăm Bảo tàng Hùng Vương, tôi đã được nhìn thấy chiếc lưỡi cày đồng, chiếc liềm hái đồng, chiếc rìu sắt, chiếc cuốc đá, những ngọn giáo búp đa, những mũi tên đồng hình lá, hình ba cạnh… Đó là cả một kho báu vật minh chứng cho cả một chặng đường dài lịch sử vài thiên niên kỷ trước Công nguyên của dân tộc Việt Nam.
Không chỉ Việt Nam, thế giới cũng ngày càng lắng nghe âm vang về thời đại các Vua Hùng. Một giáo sư người Anh, ông O.W.Wohers trong một công trình nghiên cứu đã khái quát: Nước Văn Lang của các Vua Hùng là một không gian xã hội huyền nhiệm, ở đó mỗi thủ lĩnh Lạc quản trị một vùng, một địa phương mà người ta thường gọi là “bộ lạc”.
Thực hiện nghi lễ tại lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. |
Siêu việt lên trên mọi vùng là chót đỉnh của tam giác châu Bắc Bộ, kẹp giữa hai dãy núi Tam Đảo-Ba Vì, với dòng sông Thao chảy tràn kẽ giữa. Vị thủ lĩnh vùng đó, nhờ tài năng đã vươn lên thành thủ lĩnh tối cao-Vua Hùng. Còn Tiến sĩ K.Taylor người Mỹ, trong luận án của mình đã chứng minh rằng Vua Hùng là tổ tiên bắt đầu dựng nước và giữ nước của người Việt Nam từ trước Công nguyên.
K.Taylor cũng phát triển thêm: Thời đại các nhà quý tộc Lạc là thời đại hình thành những truyền thống sâu xa của dân tộc Việt Nam, không bao giờ phai nhạt, hình thành một nền tảng xã hội làng nước-độc chuyên theo phương thức Á châu. Còn luận án của Tiến sĩ I.Sakurai người Nhật thì đề cập đến quá trình khai thác đồng bằng sông Nhị hết sức độc đáo với hệ thống đê, mương, ao… bắt đầu từ thời đại các Vua Hùng.
Thật sự cảm ơn các nhà khoa học nước ngoài chân chính đã có một cái nhìn tâm huyết và xác thực về lịch sử Việt Nam. Thật sự cảm ơn Tiến sĩ K.Taylor khi ông chứng minh: “Thời đại các nhà quý tộc Lạc là thời đại hình thành những truyền thống sâu xa của dân tộc Việt Nam, không bao giờ phai nhạt”. Suy ngẫm ý tưởng này của ông, tôi chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Bốn ngàn năm ta lại là ta”. Việt Nam qua biết bao gian nan trong lịch sử, hàng nghìn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Tây trị nhưng chúng ta không bị vong thân, vẫn tồn tại như một chân lý bất tuyệt. Con người và dân tộc Việt Nam đã và vẫn tìm thấy bản thân mình trong lịch sử của mình…
Thời đại Hùng Vương – lịch sử và huyền thoại cứ hòa quyện vào nhau, mơ mà thực, thực mà mơ. Chính cái hay, cái đẹp trong tâm tưởng hành hương tìm về cội nguồn là vậy. Chim tìm tổ, người tìm tông, giá như mồng Mười tháng Ba âm lịch tất cả mọi người dân Việt trên khắp hoàn cầu đều có mặt ở vùng đất Tổ để trẩy hội cộng đồng. Ta đi thăm đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền Giếng, ta ngắm nhìn vùng ngã ba Bạch Hạc hoành tráng, những núi đồi như bát úp của miền trung du. Ta đi tìm cái thực trong mơ. Ta đặt bàn chân trên tảng nền đất Tổ để tâm hồn được hòa trong khói hương nhiệm màu huyền thoại. Ta tìm về nguồn cội để thấy mọi người trong mình và mình được bao bọc trong ruột thịt đồng bào…
nguồn: https://nhandan.vn/trieu-trai-tim-cung-huong-ve-dat-to-post805293.html