Hiện nay, bán hàng trực tuyến đang được coi là “mảnh đất màu mỡ” để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng.
Sản phẩm gạo nếp Quạ đen của huyện Thanh Sơn được livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội
Thương mại điện tử đã không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội, nhất là trong thời đại công nghệ số 4.0 hiện nay. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp cũng phải chủ động thay đổi, thích ứng nhanh chóng với xu hướng tiêu dùng. Nhiều đổi mới trong phương thức kinh doanh để phù hợp với tâm lý người tiêu dùng đã được các doanh nghiệp thực hiện, như thay đổi hình thức mua bán sang trực tuyến, giao hàng, nâng cao chất lượng, mẫu mã, giảm giá thành sản phẩm, đưa ra các ưu đãi vận chuyển, tặng quà… Song song với phương thức kinh doanh truyền thống, trực tiếp, các doanh nghiệp trong tỉnh đã nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, kết nối với các sàn thương mại điện tử để bán hàng. Trong đó, các doanh nghiệp, HTX đã tích cực đưa sản phẩm lên các kênh phân phối lớn trong nước như: Shopee, Voso, Tiki, Sendo, Postmart, Tiktok…
Livestream bán hàng trong vườn bưởi ở huyện Đoan Hùng
Được thành lập từ năm 2020, đến nay, HTX Chè Thành Nam (thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn) đã ký hợp đồng liên kết trồng chè an toàn với 80 hộ dân tại địa bàn huyện Thanh Sơn, Tân Sơn nâng tổng diện tích trồng chè của HTX lên 100ha; chủ yếu là chè LDP1, chè Bát Tiên, chè Ô Long. Hiện nay, HTX có 16 sản phẩm chè các loại, trong đó có hai sản phẩm là chè Tôm nõn Thành Nam chất lượng cao và chè Hoa Nhài Thành Nam chất lượng cao đã được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Chị Dương Thị Duyên – Giám đốc HTX Chè Thành Nam cho biết: Năm 2023, HTX đã mở hai cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại huyện Thanh Sơn và đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử, đẩy mạnh quảng bá và bán hàng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… Hiện sản phẩm của HTX đã được xuất khẩu sang Ả Rập Xê Út và được bày bán trong hệ thống các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Các loại chè của HTX rất đa dạng, phục vụ nhu cầu nhiều phân khúc khách hàng, các sản phẩm có giá dao động từ 300 nghìn – 1,5 triệu đồng/kg.
Việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được đầu tư bài bản và kĩ lưỡng nhằm thu hút khách mua hàng
Sau 3 năm đi vào hoạt động, HTX tre trúc VNS Phú Thọ (xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê) đến nay đã mở rộng đầu tư nhà xưởng với diện tích 500m2 với máy móc thiết bị hiện đại. Mỗi tháng, HTX đã thu mua khoảng 2 – 3 vạn cây tre, trúc khắp các vùng trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm làm từ tre, trúc như: Dao, thìa, dĩa, ống hút, đồ dùng tiện ích trong gia đình, khay, ấm, chén, cốc, hộp đựng chè, bàn ghế… được người dân yêu thích và tin dùng. Năm 2022 và 2023, HTX được công nhận nhóm sản phẩm (dao, thìa, dĩa, ống hút tre) đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và nhóm sản phẩm (khay, ấm, chén, cốc, hộp trà tre) đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Liên minh HTX tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại, ứng dụng nền tảng MXH trong quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ
Anh Nguyễn Đức Vương – Giám đốc HTX tre trúc VNS Phú Thọ khẳng định: Để phát triển bền vững, bên cạnh bán hàng truyền thống, tham gia các cuộc trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm ở địa phương, các tỉnh lân cận; HTX tre trúc VNS Phú Thọ còn lập trang web, đăng ký bán hàng qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá, bán những sản phẩm từ tre, trúc ra thị trường. Đến nay, sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu đi một số nước như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Mỹ…
Bên cạnh việc duy trì hiệu quả hoạt động các website, các doanh nghiệp, HTX đã phát huy tối đa tiện ích của các trang mạng xã hội để đăng bài, quảng cáo hình ảnh sản phẩm, đăng video, livestream giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp để lấy tương tác, thông qua đó tiếp tục nhận đơn đặt hàng của khách hàng. Điều này cũng giúp người tiêu dùng tuy không trực tiếp đến cửa hàng nhưng vẫn nắm bắt và cập nhật đầy đủ thông tin, hình ảnh về số lượng và chất lượng của sản phẩm, từ đó kích cầu tiêu dùng.
Đồng chí Lê Thị Hải Yến – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Năm 2024, với chủ đề “Vì sự phát triển bền vững của kinh tế tập thể, HTX tỉnh”, Liên minh HTX tỉnh triển khai hỗ trợ 14 HTX xây dựng hệ thống quản lý năng suất chất lượng, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Mở các lớp tập huấn lập kế hoạch, vận hành liên kết phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX chăn nuôi và trồng trọt trên địa bàn các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vận động các HTX, THT và cộng đồng dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về ứng dụng thương mại điện tử, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào DTTS&MN kết hợp trưng bày, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, qua đó tạo hiệu quả tối ưu trong xây dựng chiến lược tiếp cận người tiêu dùng.
Có thể thấy, sàn thương mại điện tử với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các sản phẩm của nông dân.