Những năm qua, từ việc triển khai dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo về chăn nuôi bò sinh sản, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Thanh Ba đã có sinh kế lâu dài, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Khải Xuân là một trong những địa phương thực hiện tốt chương trình này.
Bà Trần Kim Dung, hộ nghèo xã Khải Xuân chăm sóc bò sinh sản được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ngừng ở khu 10 xã Khải Xuân là một trong những hộ cận nghèo được hỗ trợ bò giống từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Bà Ngừng năm nay đã 70 tuổi, có chồng bị bệnh, nằm một chỗ đã 9 năm, gia đình không có thu nhập ổn định nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Được hỗ trợ bò giống, bà chăm sóc cẩn thận theo đúng hướng dẫn nên bò phát triển tốt, lớn nhanh và đang cho phối giống.
Bà Trần Kim Dung, một hộ nghèo khác cũng ở khu 10 được hỗ trợ bò giống chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi không có việc làm, hai đứa con còn nhỏ lại đều bị khuyết tật, gia đình không có vốn liếng để đầu tư phát triển kinh tế. Khi được Nhà nước hỗ trợ bò giống, vợ chồng tôi rất phấn khởi vì đây là động lực giúp gia đình vươn lên phát triển kinh tế, cố gắng thoát nghèo”.
Chương trình tặng bò cho các hộ nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo từ Dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững có ý nghĩa hết sức thiết thực, hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Trường Thành – Chủ tịch UBND xã Khải Xuân cho biết: “Xã được nhận 22 con bò sinh sản từ Dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững năm 2023. Số bò này được xã giao cho 22 hộ nghèo và cận nghèo chăm sóc. Hiện nay, đàn bò phát triển tốt, nhiều con đang bắt đầu phối giống. Từ khi được nhận bò, các hộ gia đình đều rất vui và tập trung chăm sóc để tạo nguồn phát triển kinh tế ổn định cho gia đình”.
Nhằm tạo điều kiện giúp hộ nghèo phát triển đàn bò, những năm qua, ngoài thực hiện tốt chương trình, dự án cấp phát bò giống, xã còn phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện tổ chức các lớp dạy nghề chăn nuôi cho người dân. Qua đó, giúp người dân thực hiện chăn nuôi bò theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo. Từ đó, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
Cùng với đó, xã tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi và triển khai đồng bộ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước để các hộ vươn lên phát triển kinh tế, coi việc hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Nhờ đó, hộ nghèo và cận nghèo của xã giảm từ 8,4% năm 2022 xuống còn 6,02% năm 2023 và năm 2024 phấn đấu giảm còn 4,7%. Từ thành công của năm 2023, dự kiến xã Khải Xuân sẽ tiếp tục được hỗ trợ 22 con bò nữa trong năm nay. Hiện xã đã làm xong thủ tục thẩm định, đang đợi huyện ra quyết định và cấp về cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn.
Có thể khẳng định, với việc triển khai thực hiện một cách tích cực, đúng tiêu chí, đúng đối tượng hưởng thụ, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn xã Khải Xuân đã tạo được niềm tin, sự hưởng ứng tích cực của người dân, chương trình trao bò giống được xem là “cần câu”, là điều kiện cần và tiên quyết trong quá trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn, giúp các hộ sớm thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng xã Khải Xuân ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Thanh Mai
Nguồn: https://baophutho.vn/trao-sinh-ke-giup-thoat-ngheo-219987.htm