Người Mường ở huyện Thanh Sơn nói riêng và người Mường ở Việt Nam nói chung theo tín ngưỡng đa thần, một số ít có ảnh hưởng của cả Phật giáo, Nho giáo.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được coi là tín ngưỡng quan trọng nhất của người Mường ở Thanh Sơn. Tổ tiên là thần bản mệnh của gia đình và dòng họ. Do đó, tổ tiên từ 5 đời trở xuống luôn được con cháu thờ cúng, chăm sóc theo tục lệ.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là quan trọng nhất của người Mường.
Bàn thờ tổ tiên của người Mường không đặt ở gian giữa như người Kinh mà đặt ở ngoài vách gian gốc cạnh “cột chồ”. Ở một số họ, bên cạnh và trên bàn thờ tổ tiên còn có một bàn thờ nhỏ gọi là “thẹng” (thánh) để thờ vật tổ của dòng họ mình mà họ tuyệt đối kiêng kỵ (không ăn hay đánh bắt): Chó, chim cuốc, chim choóc ró, chim ruồi…
Cùng với đó là tín ngưỡng thờ cúng Chàng Wàng (Chàng Wàng Khang Quan lai lếnh): Hình thức thờ tự này xuất phát từ truyền thuyết mà người Mường gọi là anh em nhà Wàng Khang Quan lai lếnh – là vị thần bảo hộ cho gia đình không bị trộm cướp, an toàn trong lao động sản xuất và xuất hành. Người Mường thờ hai ông ở vị trí tôn nghiêm nhất trong ngôi nhà sàn, đó là “voọng toông”.
Chỗ ngụ của hai ông trong ngôi nhà sàn gọi là “hénh” – đó là hai chiếc vỉ tre hình chữ nhật được cắm trên mái trước nhà sàn, đầu gian ngoài. Lễ cúng Chàng Wàng (càu quàng) thường được các gia đình tiến hành vào Tết Nguyên đán hoặc trước khi đi xa, khi đánh bắt cá, đi săn…
Người Mường ở Thanh Sơn còn thờ các nhân thần, đó là các nhân vật lịch sử có thật được thần thoại hóa, như ông Đinh Công Mộc – thổ tù theo nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc Minh, được phong Vũ Quận Công thờ tại đình Thạch Khoán; hai ông Hà Thế Trật, Hà Khả Chinh được thờ ở miếu Đồng Rúc, xã Võ Miếu cũng là thổ tù theo nghĩa quân Lam Sơn; Đại tướng quân Nguyễn Quang Giá – tướng có công đánh giặc thời Tây Sơn – Nguyễn Huệ thờ tại đền Võ, xã Võ Miếu…
Ngoài thờ cúng tổ tiên, các vị thần, nhân thần, người Mường cũng có dấu ấn tín ngưỡng thờ Mụ (mẹ). Dưới mái nhà sàn, gian trong cùng – gian ngủ của phụ nữ có treo bàn thờ “Mụ” (pàn Mú).
Lễ vật cúng Mụ
Đặc biệt, người Mường ở Thanh Sơn có tục làm lễ thay ma cữ. Khi đứa trẻ mới sinh được 7 ngày hoặc 9 ngày tuổi, người nhà lập bàn thờ làm lễ cúng thần linh. Lễ vật trong ngày thay ma cữ có hoa quả, bánh trôi, bánh ót, quần áo giấy và nhất thiết phải có 7 quả trứng (nếu con trai), 9 quả trứng (nếu con gái).
Sau khi cúng, người mẹ bế đứa bé ra trao cho một người khỏe mạnh, gia đình yên ấm, thuận hòa, có đủ con trai, con gái, kinh tế no đủ. Sau đó, bố đứa trẻ sẽ tháo bếp cữ ra sửa sạch cất vào một nơi. Lễ thay ma cữ là nghi lễ rất quan trọng trong vòng đời của người Mường.
Tuy không quá cầu kỳ với mâm cao, cỗ đầy, tiền bạc, quần áo, ngựa xe… nhưng thờ cúng tổ tiên là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Sơn. Cũng vì lẽ đó, tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành nét đẹp văn hóa khó phai mờ đối với những người con của đất, của Mường.
Anh Tú
Nguồn: https://baophutho.vn/tin-nguong-tho-cung-to-tien-cua-nguoi-muong-217664.htm