Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, huyện Tam Nông đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và một trong những nguồn lực đáng kể giúp Tam Nông “vượt khó” thành công để cán đích nông thôn mới thời gian qua chính là nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Ngân hàng CSXH huyện rà soát hồ sơ hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn để xây dựng phương án cho vay thiết thực, kịp thời.
Là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, Tề Lễ xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Trên cơ sở những lợi thế của địa phương, xã đã có nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm dần theo từng năm. Đồng chí Nguyễn Hữu Hưng – Chủ tịch UBND xã cho biết: Vốn tín dụng hộ nghèo có vai trò quan trọng trong hoạt động giảm nghèo của địa phương. Nguồn vốn này đặc biệt phù hợp với hộ nghèo thiếu vốn hoặc những hộ gặp khó khăn đột xuất bởi thông qua vay vốn, những hộ nghèo được tiếp cận với thông tin khoa học kỹ thuật, được hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Cũng nhờ nguồn vốn ưu đãi này, đến nay Tề Lễ chỉ còn 33 hộ nghèo.
Với phương thức đầu tư cho vay trực tiếp tới hộ dân, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phục vụ hiệu quả các chương trình kinh tế trọng điểm của Tam Nông. Không chỉ đạt hiệu quả về kinh tế, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư còn tác động không nhỏ, làm thay đổi nhận thức của hộ nghèo, giúp họ biết tự vận động để thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng của năm tài chính, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện giao chỉ tiêu đến các xã, thị trấn trên cơ sở nhu cầu vay vốn của các đối tượng trong diện thụ hưởng. Nhằm đưa nguồn vốn ưu đãi đến đúng người, sử dụng đúng mục đích và thực sự hiệu quả, Ngân hàng CSXH huyện tăng cường phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát theo kế hoạch. Phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn chủ động bám nắm cơ sở, trực tiếp kiểm tra việc sử dụng vốn của các hộ theo cam kết.
Đối với đội ngũ cán bộ các đoàn thể, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), ngân hàng thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác quản lý, nghiệp vụ chuyên môn cũng như cung cấp kịp thời các chủ trương, chính sách tín dụng mới. Với những kiến thức được trang bị, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với tổ trưởng tổ TK&VV thực hiện nghiêm túc việc bình xét cho vay, đảm bảo đúng nguyên tắc; tập trung giải ngân các chương trình tín dụng, đối chiếu dư nợ… góp phần bảo toàn nguồn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng.
Với thủ tục đơn giản, không tài sản thế chấp, lại được giao dịch ngay tại địa phương nơi mình cư trú, không mất thời gian đi lại, nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện đã nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Thông qua đầu mối kết nối chính là 239 tổ TK&VV, các hộ dân trong diện đều được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ gần 438 tỷ đồng với trên 10.300 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo gần 30 tỷ đồng, 378 khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay hộ cận nghèo gần 75 tỷ đồng, 889 khách hàng dư nợ; dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo gần 43 tỷ đồng, 552 khách hàng dư nợ. Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH đã giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện có vốn đầu tư phát triển sản xuất; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ông Hoàng Văn Dũng – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện cho biết: “Với vai trò chủ lực trong cho vay giảm nghèo, Ngân hàng CSXH huyện luôn sát cánh, đồng hành cùng người nghèo, góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương. Nguồn vốn đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của đời sống xã hội, nhất là bộ phận hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Cuộc sống của nhiều hộ nghèo chuyển biến rõ rệt, đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Đây cũng là nguồn lực quan trọng, giúp các địa phương trong huyện khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng ngành nghề, từng khu vực. Đồng thời trực tiếp đẩy lùi, ngăn chặn sự tác động tiêu cực của tín dụng đen đến đời sống hộ nghèo”.
Phương Thảo
Nguồn: https://baophutho.vn/tin-dung-uu-dai-tiep-suc-ho-ngheo-223971.htm