Chiều 5/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai với các bộ, ngành, địa phương để triển khai các công tác ứng phó với siêu bão số 3 (tên quốc tế bão Yagi).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp
Dự họp tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ có các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh; lãnh đạo Chi cục Thủy lợi và một số đơn vị liên quan thuộc Sở NN&PTNT.
Theo bản tin khẩn cấp mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 5/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 460 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201 km/giờ), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10 km/giờ. |
Trong báo cáo, Tổng cục khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết siêu bão số 3 là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão. Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam.
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Phú Thọ
Dự báo, từ sáng 6/9 bão ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; từ đêm 6/9 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta với sức gió mạnh nhất có thể đạt cấp 10-12, giật cấp 13-14.
Khoảng chiều tối ngày 7/9 bão đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình) với cường độ cấp 9-12, giật cấp 13-14. Từ đêm 6-9/9 các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa từ 150-350mm, có nơi trên 500mm; các nơi khác ở Đông Bắc Bộ từ 100-150mm…
Dự báo đường đi của bão số 3
Bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp, để chủ động ứng phó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 công điện chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ sau bão; Bộ NN&PTNT ban hành 2 công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với bão…
Hiện nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 51.300 tàu cá và gần 220.000 người; trong đó có hơn 1.500 tàu cá/hơn 10.000 người đang hoạt động trên khu vực Vịnh Bắc Bộ để di chuyển tránh trú. Hơn 3.900 chòi canh, 19.300 lồng, bè và 52.100 ha nuôi thuỷ sản ven biển, trên biển đã được triển khai gia cố. Hơn 2.300 du khách trên các đảo đã được thông tin về bão để chủ động phương án ứng phó.
Đối với tỉnh Phú Thọ, trong thời gian vừa qua tình hình mưa lớn, xả lũ các hồ thủy điện đã gây ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng bờ, vở sông, hạ lưu các cống dưới đê. Do tác động của bão số 3, từ ngày 7-9/9 trên địa bàn tỉnh khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 350mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc…
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chủ động rà soát toàn bộ các phương án chuẩn bị ứng phó với thiên tai trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với diễn biến cơn bão số 3 và điều kiện thực tế; đặc biệt là phương án ứng phó với mưa lũ lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất… nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250km
Trên cơ sở dự báo về diễn biến, cường độ, mức độ rủi ro thiên tai của bão số 3 và báo cáo công tác ứng phó của các Bộ, ngành, địa phương, kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão, trở thành cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây và chúng ta chỉ còn 24 giờ để ứng phó.
Cơ quan dự báo duy trì thật tốt công tác dự báo thường xuyên và dự báo đột xuất; tiếp tục trao đổi nghiệp vụ với Trung tâm Dự báo bão của các nước để có dự báo chính xác nhất và thông tin kịp thời nhất phục vụ công tác phòng, chống, ứng phó với bão.
Với phương châm “Chủ động phòng ngừa” và “Hành động không hối tiếc”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 86 ngày 3/9 và Công điện số 87 ngày 5/9/2024. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Các bên đều có phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các cấp, từ lãnh đạo đều phải nêu cao tinh thần chủ động. Sai ở đâu phải quy rõ trách nhiệm”.
Phó Thủ tướng đồng tình với đề xuất của Bộ NN&PTNT, về việc thành lập đoàn trực tiếp thị sát các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão, yêu cầu cơ quan thường trực phối hợp chặt chẽ với địa phương, tập trung vào công tác ứng phó với bão, đặc biệt quan tâm đến kế hoạch cứu hộ trước, trong và sau bão.
Cần thông tin trực quan, dễ hiểu để người dân nắm rõ nguy cơ và chủ động phối hợp triển khai các biện pháp ứng phó. Với tinh thần tại chỗ, chủ động, nghiêm túc, các địa phương cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.
Đinh Vũ
Nguồn: https://baophutho.vn/thuc-hien-quyet-liet-kip-thoi-hieu-qua-cong-tac-phong-ngua-ung-pho-voi-bao-so-3-218387.htm