Từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện trên 660 ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại 44 tỉnh, thành phố và tiếp tục có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn. Trên địa bàn một số tỉnh tiếp giáp với tỉnh Phú Thọ như Sơn La, Hòa Bình vẫn tiếp tục có ổ dịch bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày, nguy cơ lây nhiễm bệnh DTLCP vào địa bàn tỉnh là rất cao.
Người dân chủ động rắc vôi bột khử trùng chuồng trại chăn nuôi lợn.
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP; chủ động phòng, chống, kiểm soát bệnh DTLCP, đảm bảo an toàn cho sản xuất và nguồn cung thịt lợn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND yêu cầu Sở NNPTNT, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành, thị tập trung quán triệt và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị nêu trên và các chỉ đạo của UBND tỉnh; trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Sở NNPTNT tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thị triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Trọng tâm là, theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân bán chạy, giấu dịch, vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Chỉ đạo rà soát, thống kê nắm bắt chính xác tổng đàn lợn và tình hình triển khai tiêm phòng vắc xin DTLCP trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh bắt buộc theo quy định, nhất là tiêm phòng vắc xin DTLCP cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT, thực hiện vệ sinh, sát trùng khu vực chăn nuôi bằng vôi bột và hóa chất; đẩy mạnh áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Công an, quản lý thị trường) tăng cường công tác quản lý hoạt động chăn nuôi, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kinh doanh buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Chỉ đạo lực lượng thú y tại cơ sở bám sát địa bàn, chủ động nắm bắt và báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh theo quy định và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389) chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết mổ động vật, các sản phẩm từ động vật, đặc biệt tại cửa ngõ đường giao thông với các tỉnh có dịch, các chợ, cơ sở giết mổ. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các trường hợp vận chuyển, kinh doanh, giết mổ lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch, lợn ốm, chết.
UBND các huyện, thành, thị phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn quản lý; kịp thời có kế hoạch chỉ đạo, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý dứt điểm khi DTLCP mới xuất hiện, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng…
Hà Khánh
Nguồn: https://baophutho.vn/thuc-hien-cac-bien-phap-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-215602.htm