Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Việc triển khai chính sách hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, trong đó có hỗ trợ sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị của cây chè, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân vùng chè.
Vùng chè nguyên liệu của HTX Chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn.
Thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 và Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh (thay thế Nghị quyết 05) về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có 1 doanh nghiệp, 4 HTX được hỗ trợ với tổng kinh phí đến năm 2023 gần 5,2 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ đã đáp ứng tiêu chuẩn có vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, có dự án sản xuất, chế biến gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh công suất chế biến 50 tấn chè búp tươi/năm trở lên và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ chi phí nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu; cải tiến công nghệ sản xuất, chế biến; xây dựng, phát triển nhãn hiệu và xúc tiến thương mại. Mức hỗ trợ tối đa 1,2 tỷ đồng/dự án.
Các dự án được triển khai đều hình thành các chuỗi gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ chè xanh chất lượng cao, bước đầu mang lại kết quả thiết thực. Từ nguồn vốn trên đã hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ dân sản xuất cập nhật các quy định, trang bị kiến thức, chuyển đổi tư duy sản xuất an toàn, bền vững; đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp trang thiết bị dây chuyền chế biến chè xanh, cải tiến mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè xanh. Đến nay, có 8 sản phẩm của các chủ thể thực hiện dự án đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao.
Là 1 trong 4 HTX được hỗ trợ, HTX Chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng huyện Thanh Sơn có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ – Phó Giám đốc HTX phấn khởi cho biết: “Từ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh và các nguồn vốn khác đã giúp HTX có điều kiện thuận lợi hơn để đầu tư máy móc, nâng cấp trang thiết bị chế biến chè xanh, giúp cho chất lượng sản phẩm đồng đều hơn, mẫu mã bao bì đẹp hơn… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Năm 2023, HTX được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương là một trong 63 HTX nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả đem lại còn chưa xứng với tiềm năng phát triển chè của tỉnh. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột kinh tế, chính trị giữa các nền kinh tế thế giới làm giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá xuất bán sản phẩm giảm, việc tiêu thụ, mở rộng thị trường khó khăn. Năm 2023, thời tiết bất thuận, nắng nóng, khô hạn kéo dài trên diện rộng đã ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây chè. Đa số các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến chè xanh trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ, tiềm lực về tài chính chưa đủ mạnh nên còn ít đối tượng tham gia xây dựng dự án, việc huy động nguồn vồn đầu tư đối ứng, đặc biệt là HTX còn gặp nhiều khó khăn.
Đồng chí Trần Tú Anh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tuyên truyền sâu, rộng các nội dung được hỗ trợ theo Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh và trình tự, thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đến các cấp chính quyền, người dân để hiểu rõ và thực hiện. Rà soát, lựa chọn các doanh nghiệp, HTX sản xuất chè có tiềm lực về vốn, lao động, đất đai và tổ chức sản xuất tham gia các chương trình, dự án để tiếp tục phát triển cây chè. Tập trung chỉ đạo thực hiện đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, HTX sản xuất chè theo chuỗi giá trị. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX sản xuất chè, triển khai thực hiện có hiệu quả “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với phát triển sản xuất theo nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm là đặc sản của địa phương, trong đó có sản phẩm chè phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.