Nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện các nội dung chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, dự kiến tại Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa XIX, UBND tỉnh sẽ trình Tờ trình đề nghị ban hành quy định một số nội dung, mức kinh phí thực hiện chính sách đầu tư trong lâm nghiệp theo Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính phủ (Nghị định 58) trên địa bàn tỉnh.
Đội chuyên trách bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Xuân Sơn phối hợp lực lượng Kiểm lâm huyện Tân Sơn, tổ bảo vệ rừng thôn Lấp, xã Xuân Sơn tuần tra khu vực khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên được giao quản lý tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Giai đoạn 2016-2024, căn cứ vào các văn bản quy định của Trung ương, tình hình thực tế tại địa phương, tỉnh đã xây dựng, ban hành, thực hiện nghiêm túc chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng theo Quyết định số 3553/QĐ-UBND, ngày 28/12/2016 của UBND tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ hằng năm từ ngân sách Trung ương, tỉnh là 11,4 tỷ đồng. Nhờ đó, công tác đầu tư bảo vệ, phát triển rừng được quan tâm thực hiện hiệu quả, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay các quy định về đầu tư bảo vệ, phát triển rừng đã hết hiệu lực thi hành. Do vậy, việc trình HĐND tỉnh quyết định ban hành quy định mức kinh phí thực hiện chính sách đầu tư trong lâm nghiệp là cần thiết để tạo hành lang pháp lý đảm bảo thực hiện đúng quy định cũng như nhằm khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, gia đình, cá nhân trong bảo vệ, phát triển rừng, từ đó tác động nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ quy định tại Nghị định 58 và tình hình thực tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện rà soát, thống nhất đề xuất trình HĐND tỉnh quy định cụ thể mức kinh phí thực hiện chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với 5 nội dung: Bảo vệ rừng đặc dụng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung thuộc quy hoạch rừng đặc dụng; bảo vệ rừng phòng hộ; bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng; khoán bảo vệ rừng. Mức kinh phí quy định cụ thể được xác định bằng với mức kinh phí bình quân theo quy định tại Nghị định 58.
Theo đồng chí Đỗ Ngọc Đoàn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc đề xuất quy định cụ thể mức kinh phí thực hiện chính sách đầu tư trong lâm nghiệp cụ thể đối với 5 nội dung trên tổng số 15 nội dung quy định tại Nghị định 58 sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân sống gần rừng, sống bằng nghề rừng, ngoài ra sẽ khuyến khích người dân, cộng đồng tích cực tham gia bảo vệ rừng bởi theo Tờ trình, mức kinh phí khoán bảo vệ rừng sẽ cao hơn giai đoạn 2016-2024 trên địa bàn tỉnh từ 25% đến 50%.
Cụ thể, mức kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đều được Nhà nước cấp là 150.000 đồng/ha/năm đối với Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và 500.000 đồng/ha/năm với cộng đồng dân cư, các đối tượng khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Đối với các xã thuộc khu vực II, III, mức kinh phí này là 1800.000 đồng/ha/năm đối với Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và 600.000 đồng/ha/năm với cộng đồng dân cư. Riêng với đối tượng là UBND cấp xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng phòng hộ là 150.000 đồng/ha/năm, tại các xã khu vực II, III là 180.000 đồng/ha/năm.
Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng, đối tượng hưởng kinh phí bảo vệ là Ban quản lý rừng đặc dụng, UBND cấp xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng là 150.000 đồng/ha/năm, tại các xã khu vực II, III là 180.000 đồng/ha/năm. Với doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên trước ngày 1/1/2019 và hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, các đối tượng khác theo quy định được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng là 500.000 đồng/ha/năm, tại các xã khu vực II, III là 600.000 đồng/ha/năm.
Mức kinh phí khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên là 1.000.000 đồng/ha/năm, trong thời gian 6 năm; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, mức kinh phí là 2.000.000 đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 1.000.000 đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo. Mức kinh phí khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ ngân sách nhà nước là 500.000 đồng/ha/năm, đối với diện tích rừng thuộc xã khu vực II, III là 600.000 đồng/ha/năm…
Việc quy định một số nội dung, mức kinh phí thực hiện chính sách đầu tư trong lâm nghiệp phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước cũng như tình hình thực tế, tạo thêm động lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững của tỉnh.
Lệ Oanh
Nguồn: https://baophutho.vn/them-dong-luc-dau-tu-bao-ve-phat-trien-rung-224055.htm