Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh
Trồng, chuyển hóa rừng gỗ lớn đang là hướng phát triển bền vững được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân và bảo vệ rừng góp phần tích cực bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, để tiếp tục chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn và thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Lực lượng kiểm lâm tuyên truyền cho người dân về trồng, bảo vệ rừng ở xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao.
Nhận diện những khó khăn
Để thúc đẩy phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, theo đó mục tiêu đề ra là tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu; nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng trồng sản xuất nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Năng suất bình quân của rừng trồng từ 70 – 75 m3/ha/chu kỳ 5 năm. Trong khi đó, với chu kỳ rừng trồng gỗ lớn từ 10 – 12 năm, sản lượng bình quân có thể lên tới 250m3/ha, lợi nhuận tăng khoảng 18 – 25 triệu đồng/ha/năm.
Là một trong những hộ có diện tích rừng lớn ở xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, ông Đinh Đức Thọ chia sẻ: “Trồng, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích, không chỉ tiết kiệm cây giống, chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh hại và hạn chế suy thoái đất rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Việc nhân rộng những mô hình hiệu quả có ý nghĩa quan trọng để nâng diện tích rừng gỗ lớn, giúp người dân hưởng lợi từ rừng, từ đó dần nâng chất lượng gỗ rừng theo từng năm. Do đó, các cơ quan chức năng cùng các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ về cây giống cho người dân”.
Tại huyện Đoan Hùng, một trong những khó khăn khi triển khai chuyển hóa rừng gỗ lớn đặt ra, các hộ gia đình có diện tích rừng nhỏ, manh mún không đủ điều kiện hỗ trợ; số lượng đơn vị sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn tương đối lớn, tuy nhiên, nhu cầu của các đơn vị này chủ yếu là chế biến thô như băm dăm, ván xẻ, ván thanh, ván bóc nên chủ yếu cần nguyên liệu gỗ nhỏ; chưa hình thành các vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung có diện tích đủ lớn nhằm tạo điều kiện cho việc liên doanh, liên kết đầu tư cơ sở hạ tầng. Trên địa bàn chưa có mô hình rừng trồng kinh doanh gỗ lớn điển hình để làm cơ sở minh chứng cho bài toán kinh tế thực so sánh giữa hai loại rừng. Những yếu tố này cũng tác động lớn vào công cuộc chuyển hóa rừng trồng của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Duy Lâm – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đoan Hùng cho biết: Một thực tế nữa đặt ra là trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, đòi hỏi phải có vốn, trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân còn khó khăn. Do đó, chủ rừng thường trồng rừng gỗ nhỏ với chu kỳ ngắn từ 5-7 năm do có nguồn thu nhanh hơn để trang trải cuộc sống, hoặc có thể sớm quay vòng đầu tư tiếp. Mặt khác lực lượng kiểm lâm ở các địa phương khá mỏng, chưa đủ điều kiện thường xuyên bám sát từng gia đình, hợp tác xã để vận động, hỗ trợ, giám sát người dân thực hiện chuyển hóa rừng gỗ lớn.
Hướng tới quản lý rừng bền vững, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó trồng và chuyển hóa rừng cây gỗ lớn trên 8.000ha tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa. Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, tất cả hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình sẽ được hỗ trợ lần 1 khi rừng đạt từ 6 năm tuổi trở lên và đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyển hóa gỗ lớn, mức hỗ trợ 7 triệu đồng/ha, hỗ trợ lần 2 sau 3 năm thực hiện hỗ trợ lần 1, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ một lần 70% chi phí cấp chứng chỉ rừng bền vững, mức hỗ trợ tối đa 300 nghìn đồng/ha… Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh tương xứng với tiềm năng sẵn có tại địa phương.
Kiểm tra diện tích rừng gỗ lớn được chuyển hóa trên địa bàn tỉnh.
Để hoàn thành mục tiêu chuyển hoá rừng gỗ lớn
Xác định lâm nghiệp là tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế của địa phương. Những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, tập trung đầu tư trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn – hiện là xu hướng tất yếu của ngành lâm nghiệp tỉnh nhà, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao cho người trồng rừng mà còn góp phần giảm xói mòn, rửa trôi đất… bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2024, toàn tỉnh trồng gần 9.500ha rừng tập trung, đạt 103% kế hoạch; trồng 2,5 triệu cây phân tán đạt 105% kế hoạch; chăm sóc trên 28.000ha rừng trồng. Chuyển hoá trên 330ha rừng gỗ lớn; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho gần 14.000ha; năng suất bình quân khai thác rừng trồng gỗ lớn đạt 18m3/ha/năm. Qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Lập đang tập trung phát triển cây gỗ lớn, cây dược liệu nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42-NQ/HU về phát triển kinh tế đồi rừng, trọng tâm là cây gỗ lớn, cây dược liệu và cây ăn quả giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát huy tối đa nội lực và đóng góp của Nhân dân để phát triển kinh tế đồi rừng; khuyến khích, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tích cực đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và trên toàn huyện. Đến năm 2025, huyện phấn đấu mỗi năm trồng mới 1.200ha rừng tập trung, trồng và chuyển hóa 400ha rừng cây gỗ lớn; phát triển 2.600ha cây quế và cây dược liệu, 7.740ha rừng tự nhiên, nâng độ che phủ lên 61%.
Mục tiêu của ngành lâm nghiệp tỉnh đến năm 2025, là thúc đẩy trồng, chuyển hóa đạt 20.000ha rừng cây gỗ lớn, trong đó trồng mới 15.350ha, chuyển hóa 4.650ha; hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC cho 25.000ha rừng; năng suất rừng trồng đạt 17m3/ha/năm. Để đạt được mục tiêu này, cần phải thực hiện giải pháp đồng bộ từ khâu quy hoạch vùng trồng phù hợp; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển kinh doanh gỗ lớn; các giải pháp kỹ thuật từ khâu chọn tạo giống, trồng chăm sóc, khai thác và chế biến; chính sách, chủ trương của Nhà nước.
Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển lâm nghiệp nói chung, phát triển rừng gỗ lớn nói riêng. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các chủ rừng để tạo thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, đầu tư trồng rừng gỗ lớn, canh tác bền vững để đạt cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) theo phương thức: Doanh nghiệp đầu tư vốn, kỹ thuật, các chủ rừng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khi có sản phẩm khai thác được hưởng quyền lợi theo tỷ lệ góp vốn, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa lâm nghiệp, tăng sức cạnh tranh của thị trường.
Cùng với đó đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các giống có năng suất chất lượng cao, lựa chọn các giống có năng suất cao, phù hợp phát triển rừng gỗ lớn với từng điều kiện lập địa nơi trồng; xây dựng mô hình canh tác lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý giống, vật tư trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguồn giống, vật tư xuất ra thị trường đảm bảo chất lượng, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị rừng, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Trần Quang Đông – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhận định, qua thời gian triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn đã thu hút nhiều hộ trồng rừng tham gia. Điều này cho thấy, người dân ý thức được lợi ích cũng như vai trò của mô hình trồng rừng gỗ lớn, từng bước từ bỏ phương thức trồng rừng theo lối cũ. Trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích về mặt giá trị kinh tế mà còn góp phần đáng kể trong hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm tải quá trình sử dụng đất, tăng tính bền vững trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp…
Nhóm PV kinh tế
Nguồn: https://baophutho.vn/ky-ii-thao-go-rao-can-de-dat-muc-tieu-226592.htm