Thời gian qua, các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) phát triển của Trung ương, của tỉnh và huyện được rà soát, sửa đổi, bổ sung, phù hợp với nhu cầu hỗ trợ, trình độ phát triển của các HTX, tạo tiền đề để KTTT phát triển toàn diện.
Trong đó có các chính sách hỗ trợ riêng và nội dung lồng ghép vào các Chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình hỗ trợ phát triển của các ngành, lĩnh vực, qua đó thúc đẩy huy động nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Khu vực KTTT, HTX đã được hỗ trợ về nhiều mặt như: Đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chuyển giao công nghệ, tiếp cận vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng…
Sản phẩm của các HTX được hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại tại các hội chợ, gian hàng giới thiệu sản phẩm.
HTX Chè Cẩm Mỹ (xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn) đi vào hoạt động từ năm 2018, đến nay, HTX có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ – Phó Giám đốc HTX cho biết: “Trong quá trình hoạt động, HTX được Liên minh HTX tỉnh, các sở, ngành và chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ HTX về tập huấn kỹ thuật ứng dụng công nghệ chế biến chè xanh chất lượng cao, về quản trị HTX, quy trình trồng, chăm sóc, chế biến, hoàn thiện bao bì, nhãn mác cho sản phẩm đủ điều kiện thâm nhập thị trường; hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư máy móc trong chế biến. Qua đó, giúp HTX ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho thành viên, xây dựng và hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới”.
Trên địa bàn tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, doanh số cho vay KTTT đạt 107 tỷ đồng. Các nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Liên minh HTX tỉnh quản lý đã giải ngân 9 dự án với tổng số tiền trên 2,4 tỷ đồng. Về xúc tiến thương mại, trên 150 lượt HTX, tổ hợp tác được tham gia trưng bày tại các hoạt động xúc tiến thương mại, sự kiện chính trị, xã hội cả trong và ngoài tỉnh thông qua các hội chợ, hội thảo, hội nghị.
Hỗ trợ HTX trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới được đẩy mạnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai 6 dự án về ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để hỗ trợ 11 HTX với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh trên 5 tỷ đồng. Hỗ trợ 9 HTX xây dựng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, đăng ký mã số mã vạch với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng; triển khai 2 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, thông qua đó hỗ trợ 12 HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hoá trên địa bàn tỉnh xây dựng, áp dụng truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng sản phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến và công cụ cải tiến…
Từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhiều HTX đã đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương; chủ động liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, từng bước hướng đến mô hình sản xuất tập trung, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đến nay, toàn tỉnh có trên 600 HTX, hơn 1.000 tổ hợp tác đang hoạt động, trong đó có khoảng 120 HTX triển khai các hoạt động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 100 HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực để hỗ trợ KTTT, trong đó tập trung hỗ trợ về tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh; chủ động lồng ghép, ưu tiên hỗ trợ các mô hình, dự án do HTX, tổ hợp tác chủ trì thực hiện trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình OCOP…
Nguyễn Huế
Nguồn: https://baophutho.vn/tao-tien-de-cho-kinh-te-tap-the-phat-trien-217057.htm