Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong sử dụng dữ liệu và công nghệ vào hoạt động của đời sống xã hội. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng số và phát triển kinh tế số đã mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế.
Bưởi Đoan Hùng được dán tem truy xuất nguồn gốc, giúp nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, tạo thuận lợi trong tham gia các kênh thương mại hiện đại.
Kinh tế số không chỉ là xu hướng mà đã dần trở thành nền tảng cho sự phát triển của các ngành như: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục… Việc nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng số trong tỉnh từ viễn thông đến dữ liệu nền tảng đã tạo điều kiện cho việc xây dựng kinh tế số.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh ước đạt 87,5%, tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng ước đạt 76,7%. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 9,7%, tỷ lệ lao động kinh tế số đạt 4,9%, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử là 73,9%. Các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực; tư vấn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, các giải pháp trên nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ cài đặt phần mềm quản trị doanh nghiệp, hóa đơn điện tử, quản lý nhà hàng, kế toán dịch vụ, chữ ký số; đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh… Các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông (VNPT, Viettel, Mobifone) đã hỗ trợ chuyển đổi số trực tiếp cho trên 200 doanh nghiệp, góp phần tối ưu hoá hoạt động, nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ông Trần Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm kinh doanh công nghệ số, Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 4 cho biết: “MobiFone đã triển khai các giải pháp chuyển đổi số ưu việt cho doanh nghiệp, người dân như: Văn phòng điện tử MobiFone Smart Office, họp trực tuyến MobiFone Meeting, chữ ký số MobiCA, hóa đơn điện tử MobiFone Invoice, hợp đồng điện tử MobiFone eContract, du lịch thông minh Smart Travel, giải pháp thực tế ảo VR360… Đây đều là các sản phẩm đã được triển khai ứng dụng thực tế, đem lại hiệu quả và phù hợp với các mô hình kinh doanh từ nhỏ tới lớn. Đồng hành cùng doanh nghiệp tỉnh, chúng tôi có những chính sách ưu đãi, khuyến mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sản phẩm công nghệ mới, đưa vào ứng dụng hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Bên cạnh sự phát triển của loại hình giao thương trên môi trường điện tử, các loại hình thương mại truyền thống cũng từng bước được thụ hưởng những lợi ích do chuyển đổi số, kinh tế số mang lại, trong đó mô hình chợ 4.0 được triển khai tại 13/13 huyện, thành, thị trong tỉnh. Trong ngành Thuế, hệ thống hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được nâng cấp, triển khai rộng, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; giúp thay đổi phương thức quản lý, cách thức phục vụ của cơ quan thuế nói riêng, cơ quan quản lý nhà nước nói chung theo hướng tự động, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Trong 10 tháng đầu năm nay, số lượng cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền là 774 đơn vị, số lượng hóa đơn có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền là 611.685 hóa đơn.
Các cơ sở giáo dục đã phối hợp với ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán thống nhất mẫu thông tin thanh toán không dùng tiền mặt đối với học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục. Đến nay, trên 80% tiền học phí và các khoản thu khác được thực hiện bằng hình thức chuyển tiền qua tài khoản cùng các dịch vụ khác như: Mobile Money, Mobile Banking, ví điện tử, QR code…
Kinh tế số ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn trong tăng trưởng, đặc biệt là hoạt động số hóa của các ngành, lĩnh vực có xu hướng tăng lên. Thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, doanh nghiệp số, triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn chuyển đối số. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ hàng nông sản, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh. Xây dựng các mô hình chuyển đổi số thành công, thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nguyễn Huế
Nguồn: https://baophutho.vn/tao-dong-luc-tang-truong-tu-phat-trien-kinh-te-so-223363.htm