Công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, là “đầu tàu” chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh những ngành công nghiệp truyền thống, tỉnh đang khuyến khích phát triển một số ngành công nghiệp mới, tạo động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng.
Sản xuất linh kiện điện tử, dây cáp kết nối phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH Bando Vina, Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì.
Khẳng định vai trò trong nền kinh tế
Cơ cấu các nhóm ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh được chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng. Đến nay, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 90% giá trị sản xuất công nghiệp, đã hình thành một số ngành công nghiệp quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh như: Điện, điện tử, cơ khí, may mặc…
Ngành công nghiệp bước đầu có sự liên kết chuỗi giá trị, phát triển theo chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy gia tăng hàm lượng giá trị công nghệ trong giá trị của sản phẩm, giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản xuất công nghiệp.
Từ năm 2021 đến nay, sản xuất công nghiệp tiếp tục được phục hồi, phát triển nhanh, là động lực chính cho tăng trưởng của tỉnh. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng hơn 10%, 6 tháng đầu năm 2024 tăng 14,5%. Chỉ số phát triển công nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2023, tăng 12,6%, 6 tháng đầu năm 2024, tăng 33,8%. Các hoạt động xúc tiến và những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư đã phát huy hiệu quả, ghi dấu ấn là một trong những điểm đến ưu tiên của nhiều nhà đầu tư lớn, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài.
Công ty TNHH Yida Việt Nam đầu tư sản xuất tại Cụm công nghiệp thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, sản lượng bình quân trên 1 triệu sản phẩm/tháng. Ông Chu Wing Cheong – Giám đốc điều hành Công ty cho biết: “Công ty đi vào hoạt động từ năm 2018, với 6 chuyền may, đến nay đã mở rộng quy mô với 36 chuyền may, tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động. Sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền, các ngành chức năng không chỉ giúp doanh nghiệp khẳng định năng lực sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường, tạo cơ hội lớn trong việc mở rộng hoạt động thương mại quốc tế mà còn giúp doanh nghiệp yên tâm tiếp tục thực hiện các bước theo lộ trình đầu tư tăng năng lực sản xuất”.
Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, gia tăng giá trị xuất khẩu. Chỉ tính 4 khu công nghiệp đang đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh đã thu hút trên 170 dự án vào đầu tư, trong đó có hơn 90 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 20.000 tỷ đồng, hơn 80 dự án đầu tư nước ngoài có tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2.000 triệu USD. Đối với các cụm công nghiệp, toàn tỉnh có 27 cụm được thành lập, thu hút được 165 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 13.600 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 27.200 lao động. Giá trị xuất khẩu trong các khu, cụm công nghiệp chiếm trên 85% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Trong xu thế phát triển mới, nhiều lợi thế so sánh lĩnh vực công nghiệp của tỉnh sẽ bị cạnh tranh bởi các địa phương trong vùng, khu vực có điều kiện phát triển tương đồng. Đặc biệt, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ; vấn đề thuế các-bon, công cụ kiểm chứng các-bon được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới… đặt ra yêu cầu cho ngành công nghiệp cần bắt kịp xu thế mới. Để tiếp tục có bước phát triển đột phá, đòi hỏi cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tạo thêm những nguồn lực, động lực tăng trưởng mới để thúc đẩy công nghiệp bền vững.
Công ty CP CMC, Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất gạch men cao cấp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Chuyển dịch cơ cấu hợp lý
Cùng với tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển mới từ tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do, dịch chuyển dòng vốn đầu tư, vẫn còn nhiều cơ hội để ngành công nghiệp của tỉnh bứt phá thông qua khai thác nội lực từ nguồn vốn đầu tư, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp từng bước được đầu tư đồng bộ, lực lượng lao động dồi dào, chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành và các cơ chế, chính sách ưu đãi cho hoạt động của doanh nghiệp sản xuất. Môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2023, tăng 14 bậc so năm 2022, thuộc nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3915/KH-UBND, ngày 19/9/2024 về triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030, xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Định hướng phát triển công nghiệp có trọng điểm, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều sâu, các ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hướng đến phát triển công nghiệp xanh, bền vững, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng các yêu cầu của thị trường và xuất khẩu.
Theo đó, cơ cấu lại các ngành công nghiệp chủ lực theo hướng chuyển dịch từ các ngành thâm dụng tài nguyên, năng lượng, lao động sang các ngành sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và lao động, các ngành công nghiệp xanh, từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị. Đối với ngành công nghiệp truyền thống, tập trung duy trì, phát triển các ngành như: Hóa chất, phân bón, chế biến gỗ giấy, da giày, vật liệu xây dựng, chế biến chè… Chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa sản phẩm của ngành công nghiệp truyền thống của tỉnh, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường trong nước.
Tập trung thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm sản xuất vật liệu mới, thiết bị điện tử – viễn thông, sản phẩm công nghệ thông tin, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để đi tắt, đón đầu trong phát triển một số ngành, sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao.
Theo đồng chí Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở Công Thương, với chức năng quản lý nhà nước, Sở tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa và gia tăng động lực tăng trưởng trong các ngành, lĩnh vực then chốt như công nghiệp truyền thống, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp mới, năng lượng sạch… Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu đổi mới công nghệ, thực hiện các hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại các thị trường mới. Qua đó, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất, công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Nguyễn Huế
Nguồn: https://baophutho.vn/tao-dong-luc-tang-truong-moi-cho-nganh-cong-nghiep-221056.htm