Thời gian gần đây, hình thức mua, bán hàng trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối hàng hóa hiện đại và là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Song, đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cơ quan chức năng.
Đội QLTT số 3 phát hiện, xử lý cơ sở kinh doanh sản phẩm sạc điện thoại giả mạo nhãn hiệu sản phẩm Apple trên mạng xã hội Facebook tại thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng.
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin được trang bị cơ bản hiện đại, công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ về TMĐT được chú trọng. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để TMĐT tỉnh tiếp tục tăng trưởng, đóng vai trò chủ đạo trong giao dịch thương mại. Hoạt động TMĐT phát triển đa dạng các hình thức như: Thông qua sàn giao dịch TMĐT; mạng xã hội Facebook, Zalo, TickTok, đặc biệt, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã thiết lập website để giới thiệu, quảng bá và giao dịch hàng hóa. Qua rà soát của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 97 website TMĐT bán hàng đã hoạt động và thông báo với Bộ Công Thương, 2 website cung cấp dịch vụ TMĐT đã thực hiện đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định. Về chỉ số TMĐT năm 2024, tỉnh Phú Thọ đứng thứ 27 trong 58 tỉnh, thành xếp hạng chỉ số TMĐT cả nước.
Từ thực tế có thể thấy, TMĐT đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng và là công cụ, phương thức kinh doanh quan trọng giúp các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận được thông tin thị trường, tiết kiệm thời gian giao dịch, chi phí sản xuất, thanh toán nhanh chóng, tiện lợi…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động TMĐT phát triển đã phát sinh nhiều rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống Nhân dân. Điển hình như mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 phát hiện địa điểm kinh doanh tập kết hàng hóa do bà Hoàng Thị Lan Hương, khu 3, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao khi đang thực hiện livestream trên nền tảng Facebook và Tiktok với 65 chiếc túi xách nữ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu HERMÈS đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đội QLTT số 1 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 16.000.000 đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên.
Xác định công tác phòng chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên nền tảng TMĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, xử lý 8 vụ việc vi phạm trên TMĐT. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước gần 130 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá gần 90 triệu đồng.
Mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc, song công tác quản lý TMĐT vẫn còn nhiều khó khăn. Lý giải nguyên nhân, đồng chí Hà Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho rằng, hiện nay, các hành vi buôn lậu, hàng gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng thường không có kho hàng hoặc phân tán hàng hóa nhiều nơi nên rất khó xác định được địa điểm chính. Cùng với đó, các trang mạng xã hội, ứng dụng, sàn thương mại giao dịch trực tuyến dễ dàng được lập, hủy hoặc khóa lại nhanh chóng nên rất khó nắm bắt, kiểm soát thông tin.
Dự báo hoạt động TMĐT sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với quy mô tăng trưởng cao, tạo ra nhiều xu hướng tiêu dùng mới, thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) tỉnh tăng cường kiểm tra, quản lý tốt địa bàn, chủ động nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa; tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực TMĐT; công bố công khai rộng rãi số điện thoại, địa chỉ hòm thư đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 các cấp, đảm bảo công tác thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân theo đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên không gian mạng, bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất, người tiêu dùng.
Hà Nhung
Nguồn: https://baophutho.vn/tang-cuong-quan-ly-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-223031.htm