Khắc ghi lời dạy của Bác: “Khoa học phải đi từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của Nhân dân… Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi…”, những năm qua, TS. Nguyễn Thị Huyền – Phó trưởng khoa Khoa học xã hội và văn hóa du lịch (Trường Đại học Hùng Vương) đã dành nhiều tâm huyết cho công tác nghiên cứu phát triển văn hóa và du lịch; trong đó, nhiều đề tài nghiên cứu của chị đã có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào công cuộc phát triển văn hóa, du lịch tại địa phương.
TS. Nguyễn Thị Huyền (người áo vàng) giới thiệu, quảng bá sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương với du khách và cộng đồng tại đình cổ Hùng Lô (thành phố Việt Trì).
TS.Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1980, xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ) là một trong số những cán bộ khoa học trẻ tiêu biểu của khoa Khoa học xã hội và văn hóa du lịch (Trường Đại học Hùng Vương). Đam mê nghiên cứu du lịch, văn hóa truyền thống; nhận thức sâu sắc được trách nhiệm của đội ngũ tri thức trẻ trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy tinh hoa dân tộc, suốt 15 năm gắn bó với công tác giáo dục, chị Huyền đã hướng dẫn nhiều sinh viên hoàn thành khoá luận tốt nghiệp bậc Đại học, học viên hoàn thành báo cáo thực tập, đề án tốt nghiệp bậc Thạc sĩ; thực hiện nhiều bài viết nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa và du lịch cho các tạp chí khoa học, kinh tế trong tỉnh, trong nước; tham gia 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, 1 dự án khoa học cấp tỉnh về các vấn đề thuộc lĩnh vực phát triển văn hóa, du lịch như: Kết nối du lịch Phú Thọ với các tuyến du lịch vùng Tây Bắc mở rộng; thiết kế các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Đất Tổ từ hệ thống biểu tượng Hùng Vương phục vụ du lịch tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; nghiên cứu mô hình đào tạo nhân lực du lịch tại cộng đồng ở tỉnh Phú Thọ; sản xuất sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương;…
Ghi nhớ lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đội ngũ trí thức khoa học: “Là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, tri thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”; “Những điều đem phổ biến phải thiết thực, phải chính xác, phải làm sao cho quần chúng có thể hiểu và làm được. Sau khi đã phổ biến, ta phải theo dõi, giúp đỡ quần chúng học tập và áp dụng cho tốt. Nếu chỉ phổ biến rồi bỏ mặc quần chúng, không quan tâm theo dõi họ thực hiện được hay không, kết quả tốt hay xấu, như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm”…, chị Huyền chia sẻ: “Những năm qua, tôi luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân và không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn cũng như đạo đức lối sống, tác phong, tư duy và trách nhiệm của một giảng viên, một trí thức khoa học; coi việc giảng dạy không chỉ là công việc mà còn là cơ hội để nghiên cứu, thực hành, lan toả tình yêu du lịch, văn hóa truyền thống trong sinh viên. Thông qua những thành quả trong công tác nghiên cứu, tôi hy vọng có thể cống hiến một phần tâm sức, trí tuệ của bản thân góp phần đa dạng hoá các giải pháp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ và bảo tồn di sản, phát triển văn hóa địa phương; đóng góp vào sự phát triển nền khoa học tiên tiến của nước nhà…”.
Bằng những nỗ lực không ngừng của bản thân trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đào tạo, chị Nguyễn Thị Huyền đã vinh dự nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tại Trường Đại học Hùng Vương, năm học 2017 – 2018; bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài “Di sản hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ nhìn từ lý thuyết các bên liên quan”; là một trong 57 Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ CKII, trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu được vinh danh năm 2023 đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bích Ngọc
Nguồn: https://baophutho.vn/tan-tam-vi-su-phat-trien-van-hoa-du-lich-219764.htm