Tân Sơn là huyện miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83,5%. Những năm qua, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và ban, ngành, đoàn thể với nhiều giải pháp sát thực tế, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) trên địa bàn huyện đã và đang bị đẩy lùi.
Cán bộ xã Đồng Sơn tuyên truyền, vận động bà con khu Xóm Mới không cho con em mình tảo hôn và kết hôn cận huyết thống
Triển khai thực hiện “Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2015-2025 (giai đoạn II)”, UBND huyện Tân Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể theo hàng năm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn huyện.
Theo đó, các quy định về tảo hôn và kết hôn cận huyết thống được cụ thể hóa trong hương ước của khu dân cư, trong các thiết chế văn hóa, tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và lấy đó làm tiêu chí bình xét hàng năm. Các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản; dân số, kế hoạch hóa gia đình được chú trọng triển khai nhằm nâng cao chất lượng dân số.
Cùng với đó, huyện tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các trường học đưa nội dung giáo dục giới tính; các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình; tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… vào tuyên truyền, giáo dục ở trường học. Tăng cường công tác hướng nghiệp, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đoàn, đội, câu lạc bộ, tổ, nhóm,… để tuyên truyền, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình đối với học sinh, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số.
Nhờ đó, nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có chuyển biết tích cực, tình trạng TH&HNCHT ngày càng giảm thiểu. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện có trên 1.400 cặp kết hôn; trong đó có 9 vụ tảo hôn, chiếm 0,7%, chủ yếu là ở nữ giới với lứa tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi.
Mặc dù có chiều hướng giảm, song trên địa bàn huyện, tình trạng tảo hôn vẫn đang còn diễn ra. Trong đó, các cặp tảo hôn chủ yếu là nữ từ 16 đến dưới 18 tuổi thường xảy ra ở các dân tộc như Mường, Mông, Dao cư trú ở các thôn bản vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và rải rác ở cộng đồng các dân tộc khác.
Tỷ lệ tảo hôn tập trung ở các xã Kiệt Sơn, Đồng Sơn, Thu Cúc, Thu Ngạc… làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực, thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện… Nguyên nhân do huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trình độ dân trí, phát triển của các dân tộc không đồng đều; mức hưởng thụ văn hóa và các tiến bộ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp.
Bên cạnh đó, hủ tục về hôn nhân vẫn còn tồn tại trong một số dân tộc, dẫn đến một số gia đình quyết định dựng vợ gả chồng cho con em mình khi chưa đến tuổi kết hôn… Cùng với đó, kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn còn hạn hẹp nên việc tuyên truyền, vận động chưa được thường xuyên, liên tục. Chế tài xử phạt hành chính liên quan đến tảo hôn chưa đủ răn đe. Một số cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống TH&HNCHT.
Đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách nội dung này ở cơ sở đều là kiêm nhiệm, phụ trách nhiều công việc một lúc, cho nên còn nhiều hạn chế, chưa sâu sát trong quá trình theo dõi cũng như tham mưu chỉ đạo, giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến tảo hôn, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con…
Với mục tiêu chung phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng TH&HNCHT trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, huyện Tân Sơn đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế.
Gia đình ông Hà Văn Đoan là một trong hàng trăm người dân ở Khu Ngả 2, xã Thu Cúc được thụ hướng chính sách dân tộc để nâng cao đời sống.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thăng – Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Bám sát kế hoạch của tỉnh, UBND huyện chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đảm bảo phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương.
Huyện tiếp tục tập trung chú trọng, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới gắn với tuyên truyền các quy định về phòng chống TH&HNCHT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn các xã, thôn, bản có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về TH&HNCHT.
Các xã đưa các quy định về phòng chống tảo hôn vào xây dựng hương ước, quy ước, bình xét gia đình văn hóa, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn”.
Để làm thay đổi hành vi, thì mỗi cá nhân, mỗi gia đình, dòng họ, dòng tộc tự giác chấp hành và thường xuyên tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình cũng thực hiện tốt chính sách, pháp luật; có như vậy tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tiến tới được xóa bỏ hoàn toàn.
Thúy Hằng
Nguồn: https://baophutho.vn/tan-son-no-luc-giam-thieu-tinh-trang-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-217330.htm