Tân Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ với 19 dân tộc cùng sinh sống; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 83,5%. Bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc của địa phương đã và đang được người dân cùng các cấp chính quyền giữ gìn trong nhiều năm qua.
Biểu diễn văn nghệ truyền thống trong “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại khu Vượng, xã Xuân Đài.
Những năm gần đây, UBND huyện Tân Sơn đã phục dựng, bảo tồn, gìn giữ và phát triển nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang bản sắc riêng của các dân tộc Mường, Mông, Dao như: Tiếng nói đồng bào dân tộc Mường, Dao, Mông; trang phục dân tộc Mường, Dao; ẩm thực truyền thống đồng bào dân tộc Mường; nghệ thuật trình diễn, diễn xướng dân gian hát Ví, hát Rang, đâm đuống, cồng chiêng, múa mỡi, lập tĩnh.
Những tập tục, tập quán, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được sưu tầm và phục dựng như: Lễ hội xuống đồng, cơm mới, rước vía lúa, Tết Doi. Các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống được quan tâm phát động tổ chức sôi nổi trong cộng đồng dân cư như ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc, giải thi đấu thể thao truyền thống, ngày hội văn hóa ẩm thực, liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc truyền thống…
Thực hiện công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, UBND huyện Tân Sơn đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn thành lập đội văn nghệ dân gian, văn nghệ truyền thống tại các xã, khu dân cư, đơn vị trường học trên địa bàn huyện. Hiện nay, huyện đã thành lập được 183 CLB văn hóa, văn nghệ dân gian với trên 3.000 thành viên ở các loại hình: Chàm Đuống, hát Ví, hát Rang, múa Chuông, múa Sinh Tiền; lập tĩnh, múa khèn, cồng chiêng, hát Xoan, hát Chèo…
Từ năm 2020-2023, huyện đã phối hợp với Sở VH, TT&DL tổ chức 6 lớp tập huấn truyền dạy, hướng dẫn thực hành di sản văn hóa truyền thống; 1 lớp tập huấn nghệ thuật hát Ví, hát Rang, chàm đuống cho nghệ nhân văn hóa dân gian các xã thuộc huyện với 102 học viên; 3 lớp tập huấn về xây dựng Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Mường…
Đặc biệt, những năm qua, nghề dệt truyền thống của người Mường đã không ngừng được quan tâm và phục hồi. Dưới nếp nhà sàn của xóm Chiềng, xã Kim Thượng, bà Sa Thị Tâm – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian xã Kim Thượng chia sẻ: Mong muốn của những nghệ nhân đi trước như tôi là nghề dệt truyền thống được khôi phục và sẽ có nhiều thế hệ theo học để gìn giữ, nối tiếp truyền qua nhiều đời sau.
Nghệ nhân người Mường ở khu Chiềng, xã Kim Thượng truyền dạy nghề dệt thổ cẩm.
Từ năm 2022, huyện liên tục tổ chức các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào người Mường trên địa bàn nhằm phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS đang có nguy cơ mai một. Những hoạt động này từng bước làm thay đổi nhận thức, tư duy, hành động của cộng đồng đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Nhờ những nỗ lực đó, năm 2024, nghề thủ công truyền thống Nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở xã Kim Thượng, xã Xuân Đài đã chính thức được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nằm trong chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (dự án 6), từ năm 2020-2023, huyện đã bố trí khoảng 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ mua trang thiết bị hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS; chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận…
Đồng chí Nguyễn Xuân Toản – Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nâng cao ý thức người dân trong việc bảo tồn, phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, tăng phân bổ nguồn vốn hỗ trợ xây mới, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị cho nhà văn hóa – khu thể thao thôn, bản; triển khai các đề tài khoa học liên quan việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương nơi đồng bào DTTS sinh sống.
Bảo Khánh
Nguồn: https://baophutho.vn/tan-son-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-219408.htm