Ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với 26 tỉnh, thành phía Bắc để sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Dự tại điểm cầu Phú Thọ có các đồng chí: Bùi Văn Quang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh; Nguyễn Thanh Hải – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
Cơn bão số 3 gây hậu quả nặng nề về người và tài sản, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân với 344 người chết, mất tích; nhà ở, hoa màu, cơ sở hạ tầng bị hư hại, tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.500 tỷ đồng. |
Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt công tác khắc phục hậu quả được khẩn trương thực hiện. Đến nay, thông tin liên lạc đã khắc phục, sửa chữa xong toàn bộ trạm thu phát sóng bị sự cố, dịch vụ khách hàng được khôi phục; hệ thống điện đã cấp điện trở lại cho 99,7% khách hàng; về giao thông, các tuyến Quốc lộ, đường sắt, sân bay đã thông tuyến, khai thác bình thường; các cơ sở y tế, giáo dục bị thiệt hại cơ bản được khắc phục, đảm bảo hoạt động trở lại.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp, tái thiết sau bão được gấp rút triển khai, cung ứng kịp thời các loại giống cây trồng, vật nuôi tại những vùng bị ảnh hưởng, trên 20.000 lượt cán bộ khuyến nông được huy động để hướng dẫn người dân kỹ thuật sản xuất.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị tập trung đánh giá, đưa ra một số kinh nghiệm trong công tác phòng chống bão, lũ, đồng thời đề xuất, kiến nghị một số vấn đề: Quy hoạch khu dân cư an toàn, xây dựng các công trình trên địa bàn gắn với công tác PCTT, các công trình tránh trú bảo đảm an toàn cho Nhân dân trong mùa mưa bão; đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên các địa bàn có nguy cơ xảy ra cao; rà soát các phương án vận hành hồ chứa với kịch bản mưa lũ cực đoan…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc, quyết liệt triển khai công tác ứng phó, khắc phục theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được phân công; ghi nhận tinh thần chủ động, tự giác phòng, chống, ứng phó của người dân, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ.
Thời gian tới, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần khẩn trương triển khai nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện và Nghị quyết số 143/NQ-CP, ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Nghiên cứu đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại từ nguồn ngân sách dự phòng; rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách với các đối tượng bị tác động. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục khắc phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông; với các gia đình bị mất nhà cửa, phải xây dựng lại, phải hoàn thành hỗ trợ xây dựng mới trước 31/12/2024.
Với cầu Phong Châu bị sập, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan cùng với tỉnh Phú Thọ khẩn trương nghiên cứu, triển khai xây dựng cầu Phong Châu mới, chậm nhất hoàn thành trong năm 2025, nếu cần cơ chế, chính sách báo cáo Chính phủ xem xét.
Cùng với đó, tiến hành sơ kết, đề xuất thi đua khen thưởng với những tập thể, cá nhân làm tốt, các điển hình tiên tiến trong công tác PCTT; xử lý những tập thể, cá nhân làm không tốt, không hoàn thành nhiệm vụ.
Chỉ đạo tại điểm cầu Phú Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương rà soát, thống kê thiệt hại, tính toán phương án khắc phục, hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân. Rà soát lại hệ thống đê kè, thủy lợi, giao thông… đề xuất phương án xử lý với những vị trí bị sạt lở, ảnh hưởng do thiên tai; xem xét bố trí chỗ ở cho người dân ở những địa bàn có nguy cơ sạt lở cao phải di dời.
Các ngành liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu để phối hợp, chuẩn bị cho triển khai 2 dự án lớn là xây dựng cầu Phong Châu mới; khắc phục sự cố tràn đê tả hữu sông Thao và sạt lở bờ, vở sông trên địa bàn huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê cùng các công trình khắc phục sự cố đê điều, thủy lợi, giao thông khác. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Nguyễn Huế
Nguồn: https://baophutho.vn/so-ket-danh-gia-rut-kinh-nghiem-ve-cong-tac-phong-chong-va-khac-phuc-hau-qua-con-bao-so-3-219863.htm