Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh thường xuyên thanh tra, kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng sử dụng cây giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Kiểm lâm huyện Thanh Sơn kiểm tra chất lượng cây giống của cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn xã Hương Cần.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 279 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp với tổng lượng cây giống sản xuất 103,7 triệu cây mỗi năm, trong đó có 22 tổ chức, cá nhân đăng ký sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Các cơ sở này đáp ứng trên 95% lượng cây giống phục vụ nhu cầu trồng rừng của tỉnh với đa dạng các loại cây như: Keo lai, quế, mỡ, bạch đàn, lim, lát, bồ đề, một số giống cây bản địa… Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh còn cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp cho các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Yên Bái…
Để bảo đảm diện tích rừng trồng, độ che phủ của rừng cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp đi vào nền nếp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ vườn ươm để họ thực hiện đúng các quy chế quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố có rừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, nhất là vườn ươm của hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; kiểm soát chặt việc vận chuyển, lưu thông giống trên thị trường. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý đối với những cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp không đủ điều kiện. Nhờ vậy, các chủ vườn ươm trên địa bàn tỉnh đã có ý thức hơn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp.
Xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng có khoảng 150 tổ chức, cá nhân tham gia ươm, kinh doanh cây giống. Qua kiểm tra, kiểm soát, đại đa số chấp hành tốt những quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Chị Nguyễn Thị Liên, khu 10 chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 sào ươm cây giống với các cây như keo lai, xoan… mỗi năm xuất hơn 50 vạn cây. Cơ sở chúng tôi luôn thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính đảm bảo theo quy định của Nhà nước. Trong quá trình sản xuất, cơ sở thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn đất, đóng bầu, vào giống, chăm sóc đến khi xuất bán; thực hiện việc ghi sổ nhật ký từng lô, từng luống, tạo thuận lợi cho cho lực lượng kiểm lâm quản lý, giám sát, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống”.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn đã đảm bảo số lượng, chất lượng giống cây cho các vụ trồng rừng, từ đó nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh. Giai đoạn 2021 – 2023, trung bình mỗi năm toàn tỉnh trồng mới hơn 9.000ha rừng tập trung, 2,5 triệu cây phân tán, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định đạt gần 40%. Diện tích rừng trồng tập trung tiếp tục được khai thác hiệu quả với năng suất bình quân đạt 16m3/ha/năm, sản lượng gỗ khai thác đạt khoảng 1 triệu m3/năm. Giá trị sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp tăng theo từng năm, tỷ trọng trong cơ cấu toàn ngành chiếm 6,9%.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây lâm nghiệp trên địa bàn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện nghiêm quy định về sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý. Khuyến khích thực hiện quản lý chất lượng giống theo chuỗi đối với các giống cây lâm nghiệp chủ lực để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nguồn giống trước khi đưa vào trồng rừng. Tăng cường đôn đốc các địa phương xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn quản lý. Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ truy xuất nguồn gốc, quản lý sản xuất, kinh doanh.
Phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý giống cây lâm nghiệp; về quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây lâm nghiệp. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện, tuân thủ các quy định của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển giống cây lâm nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, chú trọng tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp không đảm bảo chất lượng, không có hồ sơ nguồn gốc giống, không đáp ứng các điều kiện về sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật…
Lệ Oanh
Nguồn: https://baophutho.vn/quan-ly-san-xuat-kinh-doanh-giong-cay-lam-nghiep-223106.htm