Chất lượng giống cây trồng là yếu tố then chốt, quyết định năng suất, hiệu quả kinh tế trong ngành Lâm nghiệp. Những năm gần đây, tỉnh luôn chú trọng, tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn, đảm bảo lượng cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn, rõ nguồn gốc xuất xứ, đạt tỷ lệ cao, góp phần đáp ứng nhu cầu trồng, phát triển kinh tế rừng bền vững.
Tạo bước đột phá trong công tác giống cây lâm nghiệp bằng chọn lọc, lai tạo, nuôi cấy mô ở Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh.
Chú trọng chất lượng
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 300 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Đây là những cơ sở đạt tiêu chuẩn, đáp ứng được các quy định về nguồn gốc, chất lượng theo quy định hiện hành và cung cấp giống cây trồng lâm nghiệp đầu vào cho người dân. Ước tính trung bình mỗi năm, các cơ sở này sản xuất trên 90 triệu cây, chủ yếu là giống cây keo, bạch đàn, quế, một số loài cây bản địa… cơ bản đáp ứng nhu cầu cây giống lâm nghiệp phục vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp của ông Đỗ Nguyên Thế, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập đã hoạt động từ nhiều năm nay, mỗi năm cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 3 triệu cây giống các loại.
Ông Thế cho biết: “Với số lượng cung cấp ra thị trường lớn nên để đảm bảo chất lượng cây giống cung cấp cho bà con, tôi luôn lựa chọn các đơn vị cung cấp hạt giống uy tín, có thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ… đồng thời thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn lấy mẫu kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng giống, tích cực tham gia các lớp tập huấn để có thêm kiến thức phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Trên địa bàn huyện Yên Lập, phát triển kinh tế rừng đang là sự lựa chọn của nhiều người dân với mục tiêu thoát nghèo, vươn lên làm giàu, vì vậy, chất lượng giống cây lâm nghiệp rất được quan tâm. Ông Hà Trung Thành ở xã Ngọc Đồng chia sẻ, chất lượng giống tốt không những tăng tỷ lệ sống, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, quyết định đến năng suất mà còn giảm thời gian sinh trưởng của cây trồng. Cùng một khu vực nhưng nếu sử dụng giống tốt sẽ cho năng suất cao hơn và thời gian thu hoạch cũng ngắn hơn để tái sản xuất.
Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất cây giống, ông Vũ Tiến Hợp ở xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng cho biết, mỗi năm cơ sở cung ứng ra thị trường gần 200 vạn cây giống các loại. Các lô cây giống đều có biển tên rõ ràng, sổ nhật ký theo từng lô, từng luống, tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng quản lý, giám sát và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống.
Xác định tầm quan trọng trong việc chọn lựa giống cây trồng đầu vào, thời gian qua, huyện Đoan Hùng đã hướng dẫn các phòng, ban, đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn. Nhờ vậy, tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc đạt mức cao trước khi đưa vào phục vụ sản xuất.
Hàng năm, huyện thường xuyên kiện toàn các tổ kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp chính trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con sử dụng giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để đưa vào gieo ươm, xây dựng các vườn ươm bảo đảm tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trồng rừng phải sử dụng giống có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, không sử dụng các giống trôi nổi trên thị trường nhằm bảo đảm chất lượng rừng trồng.
Hạt Kiểm lâm Yên Lập kiểm tra chặt chẽ cây giống lâm nghiệp trước khi đưa vào trồng của hộ ông Đỗ Nguyên Thế ở xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập.
Tăng cường quản lý
Thời gian qua, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được chính quyền địa phương các cấp, ngành chức năng quan tâm, chỉ đạo, đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp từng bước được hình thành, duy trì ổn định và phát triển. Một số giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao đã, đang được đưa vào sản xuất, cung ứng cho người dân, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, gia tăng giá trị kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp của một số địa phương chưa được quan tâm, chú trọng. Một số hộ gia đình và cá nhân chưa đảm bảo điều kiện theo quy định về sản xuất, gieo ươm, hồ sơ nguồn gốc giống, công bố tiêu chuẩn cây giống…
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành, thị và Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Trong đó, UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Đội Quản lý thị trường, Công an, các đơn vị liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn. Chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, vận chuyển giống cây trồng lâm nghiệp không đáp ứng được các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh, không có nguồn gốc, xuất xứ, nguồn giống không được công nhận theo quy định.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn. Kiên quyết không nghiệm thu, thanh, quyết toán chi phí trồng rừng đối với các công trình trồng rừng thay thế, trồng rừng bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách, trồng rừng bằng vốn viện trợ, hỗ trợ nếu chủ đầu tư, hộ gia đình, cá nhân sử dụng giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, thực hiện quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Những nơi nào xảy ra việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trái pháp luật nhưng không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời thì lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm theo quy định.
Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các phòng chuyên môn, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành, thị phối hợp với các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển cây giống lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận chuyển giống cây trồng lâm nghiệp vi phạm các quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, gieo ươm lựa chọn các nguồn giống có hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định.
Đồng chí Phạm Văn Long – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện theo quy định, nhất là các cơ sở chưa đăng ký kinh doanh, không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, vật liệu nhân giống khai thác từ các vườn sản xuất đại trà chưa được công nhận. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, cung cấp các thông tin về cơ chế, chính sách, các quy định pháp luật về quản lý giống cây lâm nghiệp để các tổ chức, cá nhân và người dân tiếp cận, thực hiện đúng quy định, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giống cây lâm nghiệp trên địa bàn.
Hoàng Hương
Nguồn: https://baophutho.vn/quan-ly-chat-luong-giong-cay-lam-nghiep-223637.htm