Thời điểm này, nước trên sông Lô đang rút dần, với tinh thần “nước rút tới đâu, khắc phục tới đó”, huyện Phù Ninh chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, tập trung hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Lực lương quân đội hỗ trợ người dân khu Long Châu, xã Bình Phú sơ tán an toàn.
Do các hồ thuỷ điện đồng thời mở cửa xả lũ và ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, nước sông Lô liên tục dâng cao, đỉnh điểm vào 22h00’ngày 10/9 mực nước đã lên đến mức báo động số III gây ngập úng khoảng 1.100 hộ dân sinh sống ven sông tại các xã: Phú Mỹ, Lệ Mỹ, Trị Quận, Hạ Giáp, Tiên Du, An Đạo và Bình Phú. Diện tích lúa, ngô, hoa màu và cây lâu năm của người dân bị đổ, ngập úng tại các xã khoảng 244,5ha…. và nhiều thiệt hại khác.Tổng thiệt hại ước trên 20 tỷ đồng.
Các đoàn thể chuẩn bị các suất cơm, nhu yếu phẩm gửi đến bà con vùng ngập lụt và lưc lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Để hạn chế tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra, huyện thành lập các đoàn do đồng chí Bí thư Huyện uỷ và đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai đối với 7 xã ven sông Lô, yêu cầu cơ quan, đơn vị, các xã khẩn trương triển khai công tác phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với lũ lụt, ngập úng, nước sông Lô tràn qua đê, vỡ đê… có thể xảy ra. Đặc biệt là đối với các điểm xung yếu tập trung lực lượng sẵn sàng ứng cứu, di dời người và tài sản của người dân trong vùng ngập lụt đến nơi an toàn; đảm bảo không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản.
Khu Long Châu, xã Bình Phú, hiện có gần 300 hộ dân cư sinh sống. Nước ngập bị cô lập, 200 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Trung tá Nguyễn Văn Mạnh – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện cho biết: “Ban CHQS huyện đã huy động lực lượng thường trực, dân quân và Tiểu đoàn 19 (Bộ Tham mưu Quân khu II) phối hợp với lực lượng tại chỗ ứng cứu Nhân dân. Chúng tôi đã đề nghị Bộ CHQS tỉnh tăng cường phương tiện để đưa bà con ra khỏi khu vực Long Châu. Đến chiều ngày 11/9, toàn bộ 200 hộ dân, khoảng 450 con gia súc và nhiều gia cầm đã được sơ tán đến nơi an toàn. Ban CHQS huyện Phù Ninh vẫn đang sát cánh cùng Nhân dân, cử lực lượng giúp đỡ các hộ dân bị ảnh hưởng hậu quả mưa bão, sớm ổn định cuộc sống”.
Cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện chung tay vệ sinh môi trường hỗ trợ người dân
Thống nhất và kiên quyết trong chỉ đạo phòng chống bão lụt, ngập úng để đảm bảo an toàn tính mạng con người, các đơn vị, cơ quan và địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ 761 hộ dân trong vùng lũ di dời về người và tài sản đến vị trí an toàn.
Vào thời điểm mực nước trên sông Lô dâng lên cao cũng khiến một số vị trí đê thuộc địa bàn các xã: Bình Phú, Tiên Du, Hạ Giáp, Phú Mỹ xuất hiện một số mạch đùn sủi, thẩm thấu qua thân đê, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Với tinh thần chủ động, kịp thời, Ban chỉ huy Phòng Chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện đã trực tiếp chỉ đạo huy động lực lượng xử lý triệt để 11 mạch đùn sủi, thẩm thấu qua thân đê; đắp chống tràn 100m đê cống, đắp 460m đê bao, rộng 10m, cao 3m; xử lý sự cố 3 cống qua đê tại các xã; yêu cầu các lực lượng tăng cường lực lượng ứng trực 24/24h; các xã, thị trấn vùng đất giữa tập kết vật liệu, sẵn sàng hỗ trợ tại các khu vực xung yếu của 7 xã ven đê khi có tình huống xảy ra.
Hiện nay, mực nước sông Lô đang rút dần, để khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, tập trung hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện yêu cầu các đơn vị, địa phương huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ Nhân dân vùng bị ngập sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Tập trung chỉ đạo khôi phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng; đặc biệt ưu tiên các cơ sở y tế, giáo dục, công trình giao thông, thủy lợi, điện để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người dân. Để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho Nhân dân, Trung tâm Y tế huyện phân công cán bộ đến các khu dân cư, hướng dẫn người dân các biện pháp khử trùng, tiêu độc, tẩy uế và vệ sinh những khu vực bị ngập lụt kéo dài trong những ngày qua.
Ngay sau mưa bão, nông dân khẩn trương thu hoạch lúa với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến của lũ; chủ động triển khai phương án “4 tại chỗ” để xử lý khắc phục kịp thời nếu có các sự cố về các công trình thủy lợi; thực hiện tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo đúng quy định. Đối với các khu dân cư có nguy cơ xảy ra sự cố thiên tai (sạt lở, ngập úng…), yêu cầu khẩn trương di dời người và tài sản của người dân đến nơi an toàn; tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở; tuyệt đối không để người dân bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Thanh Nga
Nguồn: https://baophutho.vn/phu-ninh-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-bao-lu-218976.htm