Năm 2024, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021- 2025, trong đó xuất khẩu hàng hóa phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội để phục hồi, tăng trưởng. Sở Công Thương đang phối hợp với các sở, ngành liên quan đồng hành với doanh nghiệp nỗ lực phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Công ty TNHH YIDA Việt Nam, Cụm công nghiệp thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Những tín hiệu tích cực
Mặc dù kết quả xuất khẩu hàng hóa năm 2023, của tỉnh giảm so với cùng kỳ nhưng giá trị vẫn đạt ở mức cao. Với giá trị xuất khẩu ước đạt 10,4 tỷ USD năm 2023, Phú Thọ xếp thứ 9/63 tỉnh, thành của cả nước. Theo nhận định của Sở Công Thương, giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2023, sụt giảm so cùng kỳ do tình hình an ninh chính trị thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu giảm sâu cùng với sự suy giảm, biến động của thị trường trong nước làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn đến giá cả hàng hoá, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất tăng cao, tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, thị trường xuất, nhập khẩu.
Cùng với đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đặt ra cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn lao động, sở hữu trí tuệ, các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại thị trường các nước tham gia FTA với Việt Nam có xu hướng gia tăng. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam giảm chi tiêu mua sắm khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử… Các doanh nghiệp xuất khẩu chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào, còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Số lượng các doanh nghiệp có giao dịch xuất khẩu với các nước đã ký kết với các FTA còn hạn chế…
Tuy nhiên, vượt qua “sóng gió”, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vẫn có những tín hiệu đáng mừng. Đặc biệt, quý I năm nay, trên 50% các doanh nghiệp xuất khẩu có số đơn hàng tăng so với quý IV năm 2023. Không chỉ tăng về số lượng, quy mô các đơn hàng cũng được tăng lên. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa quý I ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 38,9% so với cùng kỳ.
Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất, nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu năm 2024, có nhiều cơ hội để phục hồi, tăng trưởng khi vấn đề hàng tồn kho tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Việc nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu của Việt Nam sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu quý I năm nay, của cả nước tăng so với cùng kỳ. Với nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa kinh tế và nguồn nhân lực phong phú được đào tạo cơ bản, Phú Thọ hội tụ nhiều điều kiện riêng có để phát triển trở thành một cực tăng trưởng của Vùng động lực tiềm năng Bắc Giang – Thái Nguyên – Phú Thọ, trung tâm kết nối giao thương kinh tế – thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN. Khai thác tiềm năng lợi thế đó, tỉnh đã đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại cùng với nỗ lực vượt khó khăn, bứt phá của các doanh nghiệp, quý I vừa qua Phú Thọ cũng là một trong những địa phương có xuất khẩu hàng hóa tăng đáng kể.
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trà UT, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba áp dụng KHCN vào sản xuất chè búp tím, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nắm thời cơ, vượt thách thức
Từ những tín hiệu tích cực của xuất khẩu hàng hóa, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, doanh nghiệp có xu hướng xuất khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng khá những tháng tiếp theo. Trong bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn, khó lường với nhiều cơ hội, thách thức đan xen, nhiều thị trường ngày càng đề cao những tiêu chuẩn hàng hóa liên quan đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tập trung cơ cấu lại mặt hàng. Ngoài thị trường truyền thống, các doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Ông Trần Ngọc Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Takao Granite, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông với các sản phẩm chính là gạch men, ngói tráng men cho biết: “Để sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, chúng tôi đã nghiên cứu, ứng dụng, vận hành dây chuyền sản xuất hiện đại, đa dạng về màu sắc, mẫu mã; đặc biệt, lựa chọn vật liệu thân thiện với môi trường để sản xuất các sản phẩm an toàn, đáp ứng tối đa các yêu cầu cũng như phù hợp với xu thế của người sử dụng, được các nhà phân phối, đối tác, khách hàng đánh giá cao, tin tưởng sử dụng. Năm 2024, Công ty mở rộng thêm dây chuyền sản xuất, phấn đấu đạt công suất 20 triệu m2 sản phẩm, doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng. Trong quý I, Công ty đã có đều đặn đơn đặt hàng trong nước và xuất khẩu”.
Bàn về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đa phần các doanh nghiệp đều kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong mở rộng thị trường xuất khẩu; giải quyết vấn đề thiếu nguồn cung, nguyên vật liệu; giảm chi phí logistics; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong vay vốn, thu hút nguồn lao động…
Theo đồng chí Nguyễn Việt Dũng- Giám đốc Sở Công Thương, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, thời gian tới, Sở tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại giữa cơ quan Nhà nước với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tích cực đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả các hoạt động thông tin, tuyên truyền về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế và các FTA; tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế và những cam kết quốc tế có liên quan cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Song hành với đó, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết; tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, duy trì thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu. Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử; tăng cường kết nối cung cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, giảm hàng tồn kho, thúc đẩy xuất khẩu. Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường nắm bắt thông tin của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp chế xuất có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn để cảnh báo nguy cơ phòng vệ thương mại, chống chuyển giá và các hành vi gian lận thương mại.Cùng với đồng hành của các cấp, ngành, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hội nghị tập huấn, phổ biến FTA mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là FTA thế hệ mới. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tăng cường chuyển đổi số, thương mại điện tử; đa dạng hóa thị trường, hướng đến xuất khẩu bền vững.