Là xã thuộc huyện miền núi Yên Lập, thu nhập của người dân Lương Sơn chủ yếu vẫn trông vào nông, lâm nghiệp. Làm sao để phát huy được lợi thế của địa phương, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc, tiến tới xây dựng thành công nông thôn mới là vấn đề then chốt đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện trong những năm qua. Xây dựng sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị nông sản, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ là một trong những giải pháp đang được Lương Sơn tập trung đầu tư trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Văn Thành-Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất lúa Đìn Vằn, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập thăm đồng trước khi thu hoạch
Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng rộng gần 10ha trồng nguyên giống lúa nếp đặc sản Đìn Vằn, ông Nguyễn Văn Thành-Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất lúa Đìn Vằn ở khu Đình A, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập chia sẻ: “Nếu như Mỹ Lung có lúa nếp Gà gáy thì Lương Sơn cũng có loại nếp đặc sản Đìn Vằn. Cả 2 loại nếp đều có hương vị riêng, chất lượng không thua kém nhau. Tuy nhiên, người tiêu dùng mới chỉ biết đến nếp Gà gáy mà chưa biết đến nếp Đìn Vằn. Được biết, giống nếp Gà gáy của Mỹ Lung sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP đã nâng được giá bán sản phẩm lên khoảng 20% nên tổ hợp tác của chúng tôi cũng đề xuất với chính quyền xã hỗ trợ để mở rộng diện tích trồng giống nếp Đìn Vằn này, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP, tăng nguồn thu cho nông dân.”
Theo lý giải của ông Thành, do hạt lúa có những vằn đen vàng xen lẫn nhau nên bà con gọi chệch đi thành nếp Đìn Vằn. So với các giống lúa nếp khác, thời gian sinh trưởng của nếp Đìn Vằn dài hơn từ 15-20 ngày, nếu chăm sóc cẩn thận, đúng kỹ thuật có thể đạt từ 56-57 tạ/ha. Với giá bán bình quân khoảng 25.000 đồng/kg thóc, bình quân cho thu nhập khoảng 140-150 triệu đồng/ha/vụ, là nguồn thu không nhỏ với bà con nơi đây.
Đồng chí Đinh Công Toản- Phó Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết: Là xã miền núi, diện tích rộng nên Lương Sơn có lợi thế trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Trước đây, do điều kiện giao thông và tập quán sản xuất nên giá trị kinh tế không cao. Sau khi được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông được nâng cấp mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân tiêu thụ nông sản, các hộ đã chú trọng đầu tư, thâm canh nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi có chủ trương xây dựng sản phẩm OCOP, chính quyền xã đã vận động các chủ thể có điều kiện đứng ra thành lập tổ hợp tác, thu hút các hộ vào tổ chức, xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập. Đến nay, xã đã có 2 sản phẩm được công nhận đạt hạng OCOP 3 sao và đang tập trung xây dựng sản phẩm nếp Đìn Vằn được công nhận là sản phẩm OCOP trong năm 2025.
Chế biến chè tại tổ hợp tác sản xuất chè xanh Lương Sơn
Bên cạnh nếp Đìn Vằn, một sản phẩm OCOP khác của Lương Sơn đã phát triển khá tốt, mở rộng được thị trường tiêu thụ, xây dựng được vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn an toàn là sản phẩm chè xanh Lương Sơn của tổ hợp tác sản xuất chè xanh Lương Sơn.
Chị Đặng Thị Bình, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: Khi thấy người dân trồng chè chủ yếu bán chè tươi, thâm canh theo mô hình cá thể, mạnh ai nhà nấy bán. Ít ai quan tâm đến việc làm chè thành phẩm hay quảng bá sản phẩm để được giá cao hơn, đẩy mạnh thương hiệu chè bản địa. Điều đó khiến cho điều kiện kinh tế của chị em địa phương bấp bênh. Nhận thấy cây chè là loại cây có diện tích trồng lớn ở Phú Thọ và chè Phú Thọ cũng đã có thương hiệu trên thị trường nên tôi mạnh dạn thành lập tổ hợp tác. Hiện tổ hợp tác có 11 thành viên, đều là phụ nữ và là đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ khi sản phẩm được công nhận đạt hạng OCOp 3 sao, việc tiêu thụ trở nên ổn định hơn. Thu nhập của các thành viên đều bảo đảm từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Đồng chí Đinh Công Toản cho biết thêm: Thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ để sản phẩm nếp Đìn Vằn được công nhận đạt hạng OCOP thì xã sẽ phối hợp với các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận tiếp tục đầu tư nhằm mở rộng vùng nguyên liệu gắn với sản xuất an toàn, hàng hóa; vận dụng linh hoạt các chính sách để hỗ trợ các chủ thể đầu tư máy móc, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong khâu sơ chế, chế biến sản phẩm; phối hợp với các cơ quan của tỉnh và huyện để quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Phan Cường
Nguồn: https://baophutho.vn/phat-trien-san-pham-ocop-de-nang-cao-gia-tri-nong-san-221850.htm