Xác định lâm nghiệp là tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế của tỉnh, những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó có lâm nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực.
Lực lượng kiểm lâm tuyên truyền, vận động người dân xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn, cho giá trị kinh tế cao.
Thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp từng bước làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân về bảo vệ, phát triển rừng, đồng thời khuyến khích người dân tích cực tham gia trồng rừng, tạo nên phong trào rộng khắp.
Toàn tỉnh hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 180.000ha, độ che phủ rừng giữ ổn định hàng năm 39,7%; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; hình thành được các vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng ổn định, phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản.
Là một trong những địa phương có diện tích đồi rừng lớn, những năm qua, huyện Thanh Sơn có nhiều giải pháp đưa kinh tế đồi rừng trở thành ngành kinh tế chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, huyện đã chuyển hóa rừng cây gỗ lớn hơn 500ha.
Để đảm bảo chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn cũng như chỉ tiêu trồng rừng hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, giao cho Hạt Kiểm lâm và các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các xã trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc, bảo vệ rừng để cây phát triển tốt, hình thành rừng cây gỗ lớn.
Đồng chí Trần Quang Hưng – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thanh Sơn cho biết: Toàn huyện có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên 40.000ha, người dân trong huyện chủ yếu trồng rừng là cây keo, quế. Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó mục tiêu giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế đồi rừng, trọng tâm là cây gỗ lớn, cây dược liệu được đánh giá là giải pháp khả thi, chính quyền huyện đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, tuyên truyền phát huy vai trò nội lực, tự vươn lên thoát nghèo của người dân. Hầu hết các địa phương ở huyện đều chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, đến nay độ che phủ rừng đạt 50,5%.
Không riêng huyện Thanh Sơn, các huyện có diện tích đất lâm nghiệp nhiều như: Yên Lập, Tân Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa cũng đã tập trung thúc đẩy phát triển rừng sản xuất theo hướng trồng mới, chuyển hóa rừng gỗ lớn, mở rộng diện tích được cấp chứng chỉ rừng bền vững… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, các chỉ tiêu về bảo vệ, phát triển rừng hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Hàng năm, toàn tỉnh trồng hơn 9.000ha rừng tập trung, trong đó trồng trên 2.000ha cây gỗ lớn, hơn 2 triệu cây phân tán, chăm sóc gần 30.000ha rừng trồng. Sản lượng gỗ khai thác đạt 195.000m3, năng suất rừng trồng bình quân đạt 70m3/ha/chu kỳ.
Công tác quản lý, quy hoạch 3 loại rừng được chú trọng, đảm bảo tuân thủ các quy định của luật hiện hành, qua đó diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả và phát triển bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về lâm nghiệp.
Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường; các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng giảm cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại; từng bước khai thác, phát huy giá trị rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái, cung ứng dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng; tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra những giải pháp cụ thể trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản tại địa phương. Chú trọng bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng, phát triển, phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời nâng cao chất lượng rừng vì mục tiêu phát triển rừng bền vững.
Hoàng Hương
Nguồn: https://baophutho.vn/phat-trien-rung-ben-vung-215232.htm